Trạm kiểm tra tải trọng xe số 23 Quảng Nam đã đi vào hoạt động và tiến hành cân xe trên tuyến quốc lộ 1, tại km996+400 (đường tránh Nguyễn Hoàng, TP.Tam Kỳ). Kết thúc đợt 1 (từ ngày 21 - 25.4), trạm đã kiểm tra 286 ô tô tải, qua đó lập biên bản 51 trường hợp và xử lý 30 phương tiện vi phạm, xử phạt số tiền 169,5 triệu đồng. Đợt 1 kết thúc, lực lượng chức năng đã tổ chức họp rút kinh nghiệm. Nhiều khó khăn được các thành viên nêu ra, trong đó đáng chú ý là nhân lực và chất lượng cân.
Nhiều khó khăn phát sinh khi triển khai cân tải trọng cần sớm được giải quyết. Ảnh: S.C |
Ông Trương Văn Cận - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT), Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết, theo quy định trạm phải có tối thiểu từ 8 - 10 người, song hiện tại chỉ bố trí được 6 người vì lực lượng kiểm soát quân sự không tham gia. Với đội ngũ này, lực lượng thanh tra Sở GTVT thiếu nên có người phải làm việc tới 16 giờ/ngày, đêm. Cũng theo ông Cận, qua so sánh kết quả cân một số trường hợp tại trạm với cân điện tử của Công ty TNHH một thành viên Thương mại dịch vụ Định Chi (cân có giấy chứng nhận kiểm định của cơ quan chuyên môn) để đối chứng thì có sự chênh lệch. Tổng tải trọng cân tại trạm lớn hơn tổng tải trọng cân điện tử của doanh nghiệp từ 1 - 2 tấn. Cân có sự chênh lệch đã ảnh hưởng trực tiếp đến mức xử phạt. Ngày 23.4 vừa qua, Sở GTVT đã gửi báo cáo đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam quan tâm cử cán bộ vào kiểm tra lại cân tải trọng và cho ý kiến chỉ đạo để xử lý vi phạm tải trọng nhưng đến sáng 5.5, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vẫn chưa có văn bản trả lời.
Trong khi đó, một cán bộ Thanh tra Sở GTVT cho biết, chủ phương tiện và lái xe thường trốn, chạy lách trạm qua các đường tránh, đậu xe kéo dài hàng cây số để chờ thời cơ vượt qua đã gây ách tắc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, những trường hợp nêu trên lại chưa có quy định chế tài xử phạt.
SÁU CÒI