Không ít nhà máy trong các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân phản đối gay gắt.
Sống trong ngột ngạt
Nhiều năm nay, các khu dân cư ở thôn Phương Trung (xã Đại Quang, Đại Lộc) luôn sống trong tình cảnh khổ sở bởi ống khói xả thải tự do của nhà máy sản xuất gạch Prime (thuộc Công ty CP Prime Đại Lộc). Không ít lần người dân ký đơn tập thể đề nghị chính quyền vào cuộc giải quyết, hoặc tụ tập đông người vào nhà máy phản đối. Đỉnh điểm là cuối năm 2016, hàng chục người dân thôn Phương Trung vào nhà máy gây sức ép yêu cầu doanh nghiệp có biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường. Theo người dân thôn Phương Trung, dịp Tết Đinh Dậu 2017, khi nhà máy tạm ngừng hoạt động, người dân mới được trả lại bầu không khí trong lành. Thế nhưng, từ khi nhà máy hoạt động trở lại đã phả khí than bay tận vào khu dân cư. “Khói than bay thoảng mùi khét. Xe đổ than, cát, đất tấp hết vô làng, gặp gió lớn gây ô nhiễm môi trường nặng” - một người dân bức xúc. Điều đáng nói, các bãi tập kết xỉ than nhiên liệu của nhà máy nằm sát khu dân cư nên mỗi khi xảy ra gió to hoặc doanh nghiệp tập kết than mới thì bụi bay mịt mù, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Thêm nữa, nước thải, chất thải từ nhà máy gây ảnh hưởng gần 100ha đất sản xuất nông nghiệp chung quanh.
Ống khói thải tự do tại nhà máy sản xuất của Công ty CP Prime Đại Lộc. Ảnh: T.H |
Trước phản ảnh của người dân, ngày 20.1, lực lượng kiểm tra liên ngành của tỉnh gồm đại diện Sở TN-MT, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) cùng các ngành chức năng huyện Đại Lộc kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Công ty CP Prime Đại Lộc. Qua kiểm tra, đoàn đề nghị doanh nghiệp tạm dừng hoạt động đến hết ngày 10.2 để có biện pháp xử lý khí thải, nước thải đảm bảo quy chuẩn hiện hành về môi trường. Đoàn kiểm tra cũng đề nghị doanh nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại hiện trạng nhà dân có tôn bị gỉ sắt, hư hỏng để có giải pháp hỗ trợ sửa chữa. Tuy nhiên, sáng ngày 8.2, Công ty CP Prime Đại Lộc đã hoạt động trở lại bất chấp “lệnh” tạm dừng hoạt động trước đó của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh. Ông Trần Văn Mai - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho rằng, chính quyền sẽ chỉ đạo thường xuyên các ngành chức năng kiểm tra nguồn xả thải của các nhà máy tại các cụm công nghiệp, trong đó có Công ty CP Prime Đại Lộc. Những đơn vị nào xả thải vượt quá quy định, địa phương sẽ đề nghị với tỉnh kiểm tra, xử lý kịp thời.
Nhà máy của Công ty CP Prime Đại Lộc dai dẳng gây ô nhiễm chỉ là một ví dụ điển hình về hiện trạng thiếu kiểm soát môi trường tại các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Đại Lộc nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở TN-MT khẳng định, các nhà máy hoạt động trong cụm công nghiệp thuộc thẩm quyền xử lý của chính quyền cấp huyện. Nhiều doanh nghiệp ngại tốn chi phí vận hành hệ thống xử lý, nên đã lén lút đổ thẳng nước thải ra hệ thống cống. Đó là chưa kể do công nghệ cũ cộng với sự cố máy móc nên không bảo đảm việc xử lý môi trường. Ngay cả các khu công nghiệp lớn vẫn chưa hoàn thiện xong hệ thống xử lý nước thải tập trung. Phần lớn các cụm công nghiệp vẫn chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý tập trung, nên nước thải thường đổ thẳng ra các ao hồ, khu vực xung quanh, các cánh đồng lúa nông dân đang canh tác.
Điều tra để kiểm soát nguồn thải
Ông Trần Đình Đức - Giám đốc Trung tâm Phát triển khu, cụm công nghiệp - thương mại và dịch vụ TP.Tam Kỳ cho rằng, do 10 năm trước địa phương thu hút đầu tư bằng mọi giá nên bây giờ khó kiểm soát được ô nhiễm. Đơn cử, hiện nay Cụm công nghiệp Trường Xuân tồn tại hơn chục nhà máy hoạt động với nhiều loại ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác nhau, rất khó phân loại nguồn chất thải nguy hại. Muốn di dời các nhà máy đi nơi khác cho phù hợp với quy hoạch hiện không dễ chút nào do không có nguồn lực bồi thường giải tỏa; mặt khác doanh nghiệp không muốn đi.
Theo đánh giá của Bộ TN-MT, sau hơn 20 năm thực thi Luật Bảo vệ môi trường, còn 25% trong tổng số 283 khu công nghiệp, 95% trong tổng số gần 900 cụm công nghiệp trên địa bàn cả nước chưa có hệ thống xử lý nước thải. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân, mà còn cản trở sự phát triển bền vững của chính các cơ sở sản xuất này. Ở Quảng Nam, yêu cầu phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu luôn là thách thức. Chiến lược bảo vệ môi trường bền vững của tỉnh là đẩy mạnh hơn nữa phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm mới, đồng thời giảm các nguồn thải đang gây ô nhiễm. Hiện Bộ TN-MT đang tổng điều tra các nguồn thải trên toàn quốc, giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở sản xuất có nguồn thải lớn, ngăn ngừa xảy ra các sự cố môi trường. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải rà soát, đánh giá để hạn chế phát triển các loại hình sản xuất, công nghệ gây ô nhiễm lớn, tiêu tốn tài nguyên.
TRẦN HỮU