Đó là câu hỏi không ít người đặt ra cho các ngân hàng khi lượng rút tiền ở các máy ATM càng gia tăng trong những ngày cận tết.
Thu phí rút tiền, chuyển khoản hay phí thường niên… từ ATM không còn là chuyện tranh luận hay bàn cãi giữa những người cung cấp và sử dụng thẻ. Điều này mặc nhiên người dùng đã chấp nhận một thực tế không có tiện ích nào miễn phí, nhưng bù lại họ phải nhận được chất lượng từ dịch vụ thẻ này. Không thể đưa ra một lời bình luận hay phân tích dịch vụ ATM của ngân hàng nào tốt nhất trên địa bàn Quảng Nam, bởi hiện tại vẫn chưa thấy cơ quan nào đưa ra một bản kiểm tra hay giám sát về chất lượng dịch vụ ATM của từng ngân hàng cụ thể. Tuy nhiên, một thực tế phải thừa nhận là đến cuối năm, nhiều người đã ngán ngẩm cảnh xếp hàng chờ rút tiền, nhưng không phải ai cũng đạt được sở nguyện! Năm nào, người dân cũng bức xúc vì chuyện máy ATM hết tiền.
Theo nhận định của nhiều người, Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định ngân hàng nào không giám sát mức tồn tại quỹ tại máy ATM, để máy hết tiền thì sẽ bị phạt 10 - 15 triệu đồng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các ngân hàng bảo đảm hoạt động của hệ thống ATM thông suốt, tiếp quỹ đầy đủ kịp thời. Nghị định ra đời được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ giao dịch tự động của hệ thống ngân hàng. Cơ chế chế tài đảm bảo tiền luôn có sẵn trong tay các máy ATM cũng là một động thái tích cực từ phía Nhà nước để bảo đảm quyền lợi cho người dân. Tuy nhiên, không ít người cho rằng ngoài quy định phạt tiền được xem là mới này thì tất cả các giải pháp khác đều đã cũ. Quy định xử phạt ngân hàng nếu để máy ATM hết tiền là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng để quy định mang lại hiệu quả thì cần có thêm cơ chế khắt khe hơn. Nếu chỉ từ 10 - 15 triệu đồng thì không đủ sức răn đe vì các ngân hàng sẵn sàng nộp phạt. Còn việc xác định thời điểm máy ATM hết tiền hay bị lỗi để tính giờ là điều hết sức khó khăn hoặc có nhiều cây ATM hết tiền nhưng lại báo lỗi do thao tác người rút thì không thể nào xác định được. Không ít ý kiến cho rằng mức phạt này chỉ đưa ra để hạn chế về mặt tâm lý, còn thực tế Thanh tra Ngân hàng Nhà nước không thể đủ nhân lực để kiểm tra. Mức phạt này chưa đủ mạnh để các cây ATM luôn đầy tiền.
Hiện Quảng Nam có 180 cây ATM ở 17 huyện, thành phố của 21 ngân hàng hoạt động tại địa phương. ATM tập trung nhiều nhất là tại Tam Kỳ (59 máy), Hội An (56 máy), Điện Bàn (21 máy), Núi Thành (14 máy), Duy Xuyên (9 máy), phần còn lại ít nhất mỗi địa phương có 1 máy ATM. Nếu yêu cầu mỗi máy tồn quỹ 500 triệu đồng mới đáp ứng nhu cầu rút tiền mặt thì sẽ có khoảng 90 tỷ đồng vốn chết nằm trong máy, điều này không dễ cho các ngân hàng. Chính điều này sẽ không giải quyết được gì về tình trạng tắc nghẽn ATM khi lượng người rút tiền ngày càng gia tăng trong những ngày cận tết. Liệu “lịch sử” tắc nghẽn ATM có lặp lại hay không dù đã có những quy định cụ thể về việc xử phạt ngân hàng để máy ATM hết tiền. Câu trả lời cụ thể có lẽ phải chờ từ thực tế hoạt động ATM của các ngân hàng!
T.DŨNG