Cẩn thận với bệnh viêm tai giữa

TÂM AN 07/08/2013 08:22

Viêm tai giữa là một trong những bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ. Đây là bệnh đơn giản nhưng nếu không hiểu biết đúng sẽ gây ra những trường hợp đáng tiếc.

Khám tai mũi họng cho trẻ thường kỳ để chăm sóc sức khỏe toàn diện. Ảnh: T.A
Khám tai mũi họng cho trẻ thường kỳ để chăm sóc sức khỏe toàn diện. Ảnh: T.A

Triệu chứng

Bé Su (5 tuổi), ở phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ phải chuyển viện ra Đà Nẵng vì tình trạng viêm tai giữa ngày càng nặng. Chị T.K.L, phụ huynh của bé cho biết, đã cho bé uống thuốc nhiều tuần nhưng không bớt, lỗ tai trái vẫn bị chảy mủ vàng và bé hay kêu đau như có con gì trong tai. Các bác sĩ chỉ định mổ cấp cứu vì viêm tai xương chũm trái và đặt thông khí hai bên. Các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng cho biết, viêm tai giữa là bệnh khá phổ biến nhưng triệu chứng lại giống với bệnh thường nên rất nhiều phụ huynh ít quan tâm. Đến khi trẻ bị nặng đến mức chảy mủ và đau nhức tai không ngủ được, khóc quấy lúc đó mới phát hiện và đưa trẻ đi khám.

Viêm tai giữa, trẻ nhỏ thường sẽ bị sốt ở mức 38 - 400C, khóc quấy nhiều hay gây gổ, bỏ bú, kém ăn, nôn trớ, rối loạn tiêu hóa, đi phân lỏng nhiều lần trong ngày, không phản ứng khi có tiếng động. Bệnh nặng hơn sẽ bị chảy mủ ở tai, còn các triệu chứng khác thì giảm dần. Bác sĩ Nguyên Trường (chuyên Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam) cho biết, ít phụ huynh biết rằng, viêm tai giữa là hậu quả của bệnh viêm đường hô hấp trên. Bệnh thường xuất hiện sau vài ngày có viêm mũi họng, bệnh nhân có sốt, ho, chảy mũi, có thể bị tiêu chảy và đau tai, đây là một trong những triệu chứng quan trọng của bệnh viêm tai giữa. Nguyên nhân dẫn đến viêm tai giữa: trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi sức đề kháng yếu, khi trẻ nằm bú bình không cẩn thận để sữa tràn vào tai hoặc do cảm lạnh, không khí ô nhiễm, có khói thuốc lá; chọc ngoáy vào tai.

Hiện nay, vẫn còn rất nhiều phụ huynh khi thấy trẻ có triệu chứng đau tai thường tự ý mua thuốc về chữa cho con mà không có sự tư vấn của bác sĩ, kết quả trẻ bị nặng hơn và phải chuyển đi cấp cứu. Bác sĩ Nguyên Trường cảnh báo, nhiều cha mẹ, nhất là ở thôn quê đã dùng oxy già nhỏ vào tai cho trẻ. Đây là một sai lầm nghiêm trọng trong việc điều trị tai, bởi khi nhỏ oxy già vào tai, khả năng hút sạch nước trong tai là rất khó. Oxy già đọng lại trong tai sẽ gây kích ứng, phù nề niêm mạc, hòm nhĩ (trong trường hợp thủng màng nhĩ), da ống tai. “Với trẻ em, đặc biệt dưới 2 tuổi, việc sử dụng thuốc nhỏ tai không đúng chỉ định sẽ để lại hậu quả nặng nề là nhiễm độc tai trong, gây điếc không hồi phục. Nhiều trường hợp, trẻ điếc ở tuổi chưa tập nói, sẽ bị câm” - bác sĩ Trường cho biết.

Thêm nữa, quan niệm của nhiều phụ huynh cho rằng cứ viêm tai giữa là dùng kháng sinh toàn thân hoặc nhỏ tai. Điều đó không đúng, vì đã có nhiều trẻ bị ngộ độc tai trong do chích thuốc kháng sinh. Viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ có thể gây thủng màng nhĩ, làm tiêu xương, gián đoạn chuỗi xương con... ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ.

Chăm sóc đúng cách

Để tránh mắc viêm tai giữa, nhất là với trẻ em, các bác sĩ chuyên khoa cho rằng, tốt nhất là phòng chống nhiễm khuẩn đường hô hấp trên bằng cách nâng cao thể trạng chung cho trẻ với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để tăng sức đề kháng. Khi thời tiết giao mùa cần giữ ấm, tránh gió lùa nhằm bảo vệ đường mũi họng cho trẻ. Ngoài ra, nên vệ sinh hằng ngày cho trẻ bằng cách nhỏ dung dịch muối biển hoặc nước muối sinh lý nhằm làm sạch những bụi bẩn trên đường hô hấp, đặc biệt trong những đợt có dịch đường hô hấp trên. Việc này sẽ giúp tăng khả năng bảo vệ niêm mạc đường hô hấp trên. Tuy nhiên, khi thấy con có biểu hiện của bệnh thì phải điều trị theo đơn của bác sĩ và chỉ dùng hạ sốt, giảm đau nếu trẻ bị sốt trên 380C.

Khi tai đã có mủ, lúc đó cần dùng thêm các dung dịch kháng sinh, corticoid tại chỗ sẽ cho hiệu quả điều trị tốt. Tuy nhiên không phải kháng sinh nào cũng dùng để nhỏ tai được, có một số loại kháng sinh có thể gây ngộ độc tai trong dẫn tới điếc nặng. Bởi vậy, các bậc cha mẹ không nên tự ý mua thuốc về cho con dùng khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ.

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, trẻ bú mẹ ít bị viêm tai giữa vì trong sữa mẹ chứa kháng thể giúp bé có sức đề kháng tốt. Chú trọng việc vệ sinh cho trẻ như khi tắm không để nước vào tai giữa, vệ sinh mũi họng để trẻ không bị viêm hô hấp trên, amidan, vì giữa mũi họng và tai trong có ống thông nhau nên vi khuẩn vùng mũi họng qua đó mà lan sang tai. Khi đã bị bệnh cần được bác sĩ thăm khám và chỉ định điều trị, theo dõi chặt chẽ các biến chứng.

TÂM AN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cẩn thận với bệnh viêm tai giữa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO