Cẩn thận với giống cây trồng nhập ngoại

CHIÊU THỤC ANH 05/06/2013 08:34

Nỗi ám ảnh về giống Trung Quốc của bà con nông dân Quảng Nam ngày càng lớn sau câu chuyện cây ớt chết hàng loạt ở Duy Xuyên, Đại Lộc…
Giống ớt Trung Quốc 417

Vụ ớt đông xuân 2013 của một số hộ dân ở huyện Duy Xuyên, Đại Lộc gần như mất trắng do cây chết hoặc héo, không ra trái. Theo lời kể của một số người dân ở thôn Thanh Châu (Duy Châu, Duy Xuyên), khi nhiều hộ chuẩn bị trồng ớt vụ đông xuân 2013 thì có một số thương lái đi thu gom mua ớt đến chào mời, giới thiệu những gói ớt giống để bà con trồng thử kèm lời hứa hẹn “mùa thu hoạch ớt sẽ đến thu mua với giá cao hơn thị trường”. Tin lời thương lái, nhiều hộ dân đã đem giống về gieo trồng, chăm sóc đợi ngày thu hoạch. Tuy nhiên, khi cây cao được khoảng 20cm thì bắt đầu có hiện tượng rụi lá, thối rễ và chết hàng loạt. Những cây còn lại dù có  ra trái nhưng thân ớt thấp nên trái chạm đất cũng bị thối nát hết. Bà Huỳnh Thị Bằng, cán bộ khuyến nông của xã Duy Châu cũng bị mất trắng khoảng 20 triệu đồng do 2 sào ớt gieo từ giống Trung Quốc. Được biết, những gói ớt giống này được đóng gói trong những bao bì in toàn chữ Trung Quốc, trên bề mặt có in hình chùm ớt xanh.

Người dân vùng chuyên canh sản xuất rau màu luôn mua giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Ảnh: T.ANH
Người dân vùng chuyên canh sản xuất rau màu luôn mua giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Ảnh: T.ANH

Còn theo lời một số hộ dân mất trắng do trồng trúng giống ớt Trung Quốc ở huyện Đại Lộc, lâu nay bà con thường trồng giống ớt 417 của Công ty CP Giống Trang nông cung cấp. Thời điểm chuẩn bị trồng vụ ớt đông xuân 2013, giống ớt 417 của Công ty CP Giống Trang nông không về kịp, lại có một số thương lái chào mời giống ớt 417 của Trung Quốc với lời hứa hẹn hấp dẫn nên bà con đem về trồng thử. Cuối cùng, nhiều hộ ôm nợ do giống ớt này đem lại. Một số hộ dân cố vớt vát bằng cách thu hoạch số ớt còn lại, nhưng thương lái khi nghe nói đến ớt Trung Quốc đã không mua hoặc ép giá thấp.

Ông Nguyễn Phước Đáng, Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Duy Xuyên cho biết: “Theo thống kê, vụ ớt đông xuân vừa qua, toàn huyện có gần 30 hộ sử dụng giống ớt Trung Quốc. Trong đó, có khoảng 30% cây bị chết hoàn toàn, một số bị bệnh hoặc quả sắp thu hoạch thì bị thối. Không chỉ vậy, năng suất giống ớt Trung Quốc rất thấp. Mỗi sào thu hoạch được khoảng 800kg trong khi những loại ớt khác năng suất đạt 1,5 - 1,7 tấn/sào”.

Tự bảo vệ là chính

Thực tế lâu nay, không phải giống Trung Quốc nào cũng đem lại tay trắng cho người dân. Ông Huỳnh Tấn Việt - chủ đại lý cấp 1 Việt Hà chuyên kinh doanh các loại hạt giống và vật tư nông nghiệp (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) cho biết: “Giống cây nhập khẩu từ Trung Quốc không phải loại nào cũng xấu. Một số loại giống lúa lai Trung Quốc như Nhị ưu 838, CNR 6206… được nhiều người ưa thích, lựa chọn để gieo trồng”. Lý do các giống lúa lai này được ưa thích là khả năng chống chịu tốt với thời tiết, dễ chăm sóc, năng suất cao như giống CNR 6206 có khả năng đạt 65 - 75 tạ/ha. Vụ hè thu 2013, toàn huyện Duy Xuyên có khoảng 500 ha được gieo trồng giống lúa lai Nhị ưu 838, khoảng 400 ha gieo trồng giống CNR 6206 có xuất xứ từ Trung Quốc. Nhưng cũng theo ông Việt, đa số nông dân ở những vùng trồng rau màu chuyên canh như Nam Phước, Điện Bàn… không lựa chọn giống rau màu của Trung Quốc bởi năng suất thấp và tỷ lệ nảy mầm không cao. Họ thường chọn giống rau màu nhập từ Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc… do các công ty giống cây trồng như Công ty CP Giống cây trồng miền Nam, Công ty Trang Nông… cung cấp.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, ở một số địa phương như huyện Phú Ninh, Tiên Phước, các xã vùng ven của TP.Tam Kỳ xuất hiện một số giống rau màu được đóng gói trong những bao ni lông nhỏ, không nhãn mác, hạn sử dụng… bày bán trong những cái mẹt nhỏ ở chợ, ở cửa hàng. Bà Nguyễn Thị Cúc (thôn Bình An, thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước) cho biết: “Tôi thường xuyên mua hạt giống bán ngoài chợ về gieo trồng vì chỉ mua với số lượng ít, vào cửa hàng phải mua với số lượng lớn, không dùng hết, bỏ đi thì phí”. Cũng vì mua hạt giống trong các gói nhỏ nên bà con không hề hay biết nguồn gốc, xuất xứ của các loại giống này như thế nào. “Chẳng biết có phải giống Trung Quốc hay không nhưng giống mướp tôi mua ngoài chợ Kỳ Lý chẳng thấy đậu trái, dù thân leo khắp bờ rào, lá xanh mướt, ra hoa quá trời. Tôi cũng mua số lượng ít nên chẳng để ý bao bì, nhãn mác” - bà Nguyễn Thị Thọ (khu phố mới Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) cho hay.

Trước nỗi ám ảnh về giống cây trồng Trung Quốc, ông Lê Kim Hoàn, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Tiên Phước, nói: “Trạm chưa nhận được thông tin xuất hiện giống Trung Quốc trên địa bàn huyện Tiên Phước, dù vừa mới lập đoàn đi kiểm tra tình hình về giống cây trồng. Đối với những giống cây trồng nhập theo đường tiểu ngạch, xuất hiện manh mún, rải rác rất khó trong việc kiểm soát chất lượng”.

CHIÊU THỤC ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cẩn thận với giống cây trồng nhập ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO