(QNO) - Phát biểu cuối cùng trong phiên thảo luận tại hội trường vào chiều 3.11, đồng chí Phan Thái Bình - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã thẳng thắn nêu lên một số vướng mắc, bất cập có nguyên nhân từ cơ chế, chính sách, pháp luật; đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương chỉ đạo khắc phục.
Đại biểu Phan Thái Bình bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn và qua ý kiến, kiến nghị của cử tri, đại biểu phản ánh đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương một số vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật do Trung ương ban hành.
Đồng chí Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Nam phát biểu tại diễn đàn Quốc hội. |
Trên lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn: tình trạng phá rừng trong thời gian qua diễn biến phức tạp, ngày càng gia tăng, rừng đang bị tàn phá nghiêm trọng. Theo báo cáo của Chính phủ 9 tháng đầu năm 2016, diện tích rừng thiệt hại là 4.359 héc ta, tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2015. Để bảo vệ rừng hiệu quả Chính phủ cần ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích để người dân tham gia tích cực vào công cuộc bảo vệ rừng, gắn sinh kế của người dân với công tác quản lý bảo vệ rừng; tăng mức khoán bảo vệ rừng để người dân yên tâm chăm lo bảo vệ rừng; đồng thời, Bộ NN&PTNT Bộ Tài chính sớm triển khai quyết liệt hơn, thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9.9.2015 của Chính phủ về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020.
Hai là, hiện nay cử tri rất bức xúc trước tình trạng phân bón, thuốc trừ sâu giả, kém chất lượng ngày càng phổ biến trên thị trường nhưng chưa được các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý triệt để. Trong khi đó, Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27.11.2013 của Chính phủ về quản lý phân bón, Chính phủ giao cho Bộ Công thương quản lý phân bón vô cơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý phân bón hữu cơ và các phân bón khác. Việc chia đầu mối quản lý như trên trong thực tiễn rất khó quản lý, nên giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất quản lý sẽ thuận lợi, chặt chẽ hơn.
Ba là, việc xác định tiêu chí hộ nghèo theo các văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19.11.2015 của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, còn một số bất cập không phù hợp với thực tiễn, như: tài sản là ti vi, xe máy, v.v... không xét đến giá trị; trâu, bò, ngựa, hai con tính 15 điểm, nhưng nuôi cả đàn cũng chỉ tính 15 điểm; không kê khai đất nông nghiệp, lâm nghiệp... Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, điều chỉnh phù hợp.
Trên lĩnh vực công thương, cử tri đề nghị Bộ Công thương tổ chức kiểm tra đánh giá chất lượng các công trình thủy điện, xác định trách nhiệm các ngành có liên quan đến sự cố vỡ cống dẫn dòng Thủy điện Sông Bung 2, gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện đúng quy trình xả lũ, thông tin, thông báo kịp thời cho người dân khi xả lũ và khi có sự cố xảy ra.
Trên lĩnh vực y tế, hiện nay khả năng và trình độ khám, chữa bệnh của các bệnh viện ngày càng được nâng lên nhưng với quy định danh mục thuốc tân dược được sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh theo phân hạng bệnh viện tại Thông tư số 40/2014/TT-BYT ngày 17.11.2014 của Bộ Y tế hướng dẫn danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế làm hạn chế năng lực điều trị của các bệnh viện và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Trong thực tế có những trường hợp bệnh viện khám, chẩn đoán ra bệnh nhưng không có thuốc này để cấp cho bệnh nhân do vậy bệnh nhân phải mua ngoài, gây hoài nghi và bức xúc trong nhân dân. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. Bộ Y tế cần rà soát, bổ sung cho phù hợp.
Trên lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, hiện nay trên địa bàn của nhiều tỉnh, trong đó có Quảng Nam có các đơn vị đăng ký hoạt động kinh doanh môtô nước trên biển nhưng khi triển khai doanh nghiệp không được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nên gặp gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể, theo quy định tại Điểm c, Khoản 4, Điều 1, Thông tư số 75/2014/TT-BGTVT ngày 19.12.2014 của Bộ GTVT về đăng ký phương tiện thủy nội địa thì thông tư này không áp dụng đối với việc đăng ký các loại phương tiện là “tàu thủy thể thao và vui chơi giải trí”, do đó doanh nghiệp không được cấp giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa. Tại Khoản 2, Điều 1 Thông tư số 48 ngày 22.9.2015 của Bộ Giao thông vận tải về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa không áp dụng đối với “phương tiện thủy nội địa có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa và có sức chở dưới 5 người”, do đó doanh nghiệp cũng không được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện này. Bộ GTVT cần quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được đăng ký hoạt động trên lĩnh vực này.
Về chính sách tiền lương, Chính phủ đề xuất phương án năm 2017 sẽ tăng mức lương cơ sở khoảng 7-8% là phù hợp. Tuy nhiên, Chính phủ cần xem xét nâng mức lương hưu và trợ cấp các gia đình chính sách cao hơn so với cán bộ đương chức khoảng 30-40% nhằm đảm bảo đời sống cho các đối tượng này.
Hiện nay, cán bộ hưu trí, nhất là hưu trí nghỉ hưu trước năm 1995 mức lương hưu rất thấp, đây lại là lớp người có nhiều cống hiến cho đất nước cần được Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo chu đáo. Đồng thời, đại biểu Bình cũng đề nghị xem xét cải cách cơ bản chính sách tiền lương, thang bậc lương và các khoản phụ cấp để đảm bảo tính công bằng và đồng bộ.
Về chính sách miễn học phí, theo Thông tư số 36/2015/TT-BLĐTBXH ngày 28.9.2015 của Bộ LĐ-TB&XH chưa phù hợp với Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02.10.2015 của Chính phủ và Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16.7.2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Cụ thể là tại Điểm 1, Điều 7, Nghị định 86 về đối tượng được miễn học phí có quy định người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng theo Pháp lệnh số 26 và Pháp lệnh số 04 nêu trên. Tại Pháp lệnh số 26 và Pháp lệnh 04 đều ghi rõ người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế là một trong những thành phần thuộc người có công với cách mạng.
Như vậy, theo Nghị định số 86 đối tượng trên thuộc đối tượng được miễn học phí, trong khi đó tại Điều 1 và Điều 2, Thông tư số 36 của Bộ LĐ-TB&XH lại không đưa những đối tượng này vào diện được miễn học phí là không phù hợp, đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Theo đại biểu Phan Thái Bình, những vấn đề bất cập trên cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương cần rà soát, chấn chỉnh, kịp thời ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển.
VĂN PHƯỚC