Cần thêm những nỗ lực xóa đói nghèo

Q.HƯNG 17/10/2013 12:40

Trong thông báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), qua 3 thập niên, thế giới đã có nhiều nỗ lực vượt bậc trong cuộc chiến xóa đói nghèo với con số đầy ấn tượng: 721 triệu người thoát nghèo. Song, với chuẩn nghèo mới mà Liên hiệp quốc đưa ra (<1,25USD/ngày), thế giới ngày nay còn tới khoảng 1,2 tỷ người nghèo đói…

Chủ đề Ngày Quốc tế xóa đói nghèo năm nay: “Cùng nhau hướng tới một thế giới không phân biệt đối xử: dựa trên kinh nghiệm và kiến thức trong cuộc chiến xóa đói nghèo” nêu rõ, hiện tượng phân biệt đối xử với người nghèo trong xã hội vẫn còn tồn tại. Ở rất nhiều nơi, tầng lớp nghèo đói rất hiếm có cơ hội lên tiếng ở các chương trình kinh tế, chính trị và xã hội của quốc gia, kể cả những chương trình tác động trực tiếp hay gián tiếp đến đời sống của họ. Cứ thế, vòng luẩn quẩn đói nghèo vẫn hiện hữu và khi đó, những người nghèo đói lại là thủ phạm dẫn đến các vụ bạo lực và phân biệt đối xử, những vi phạm về quyền con người. Những người sống trong cảnh nghèo đói cùng cực luôn phải đối mặt với tình cảnh thiếu chỗ ở, thiếu thức ăn và không được tiếp cận với các dịch vụ cơ bản. Họ phải chịu các điều kiện làm việc nguy hiểm và sống bấp bênh, xuống cấp và thậm chí nguy hiểm đối với chính tính mạng của mình. Thống kế cho thấy, hàng năm vẫn còn khoảng hơn 20 nghìn người chết vì các căn bệnh liên quan tới nghèo đói. Trong thông điệp gửi đi, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon kêu gọi, “nếu chúng ta muốn có được tương lai như chúng ta mong muốn, chúng ta phải lắng nghe và chú tâm hơn nữa đến tiếng nói của những người nghèo mà gần như họ đang bị  cách ly ra khỏi nhịp điệu phát triển của xã hội”.

Một gia đình nghèo ở Ấn Độ.
Một gia đình nghèo ở Ấn Độ.

Liên quan đến nỗ lực xóa đói nghèo, báo cáo về tình trạng thiếu ăn trên thế giới 2013 (The State of Food Insecurity in the World 2013) vừa được công bố trong tháng 10 này, tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO) đã nêu bật vùng Đông Nam Á là “vô địch trong xóa đói nghèo”, nơi có tỷ lệ người bị đói giảm nhanh nhất trong vòng 20 năm nay, với tỷ lệ từ 31,1% đến 10,7%. Ngoài ra, FAO xác nhận, châu Phi vẫn là khu vực có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất. Cũng theo báo cáo của FAO, trong hai thập niên, từ 1990-1992 đến 2011-2013, số người bị đói ăn trên thế giới đã giảm từ 24% xuống còn 14%. Mục tiêu thiên niên kỷ mà Liên hiệp quốc thông qua năm 2000, giảm một nửa số người thiếu ăn tại các nước đang phát triển vào năm 2015, vẫn có thể đạt được, đặc biệt là châu Á. FAO nhận định, trong hai thập niên qua, khả năng cung ứng lương thực tăng nhanh hơn dân số trong các nước đang phát triển. Do vậy, số người bị đói đã giảm. Mặt khác, cơ cấu lương thực và thực phẩm trong bữa ăn của người dân cũng thay đổi, tỷ lệ ngũ cốc, các loại củ, rễ đã giảm, trong khi hoa quả, rau, các thực phẩm có nguồn gốc động vật và dầu lại tăng mạnh.

Nghèo đói là một hiểm họa đã tồn tại từ rất lâu trên thế giới. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới bất ổn xã hội và là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh. Cuộc chiến chống đói nghèo không chỉ đòi hỏi nỗ lực của từng cá nhân, mà trên hết là sự hợp tác từ cộng đồng quốc tế. Thế giới cần chung tay hành động để hướng tới phát triển bền vững, mà trước mắt là hoàn thành các Mục tiêu thiên niên kỷ vào năm 2015.

Q.HƯNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần thêm những nỗ lực xóa đói nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO