Chiều 12.11, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang có cuộc làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban ngành liên quan nghe báo cáo dự thảo đề án cơ chế hỗ trợ người lao động (LĐ) của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Căn nhà mới xây của bà Văn Thị Ba, hộ đã thoát nghèo nhờ có con đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản. Ảnh: D.L |
Theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có 4.609 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Hiện nay có 2.428 LĐ của tỉnh đang làm việc ở nước ngoài, chủ yếu ở Nhật Bản và Hàn Quốc, mỗi năm gửi về nước hơn 500 tỷ đồng, góp phần quan trọng trong giảm nghèo đối với một bộ phận người dân, thậm chí giúp gia đình khá lên. Như trường hợp bà Văn Thị Ba (xã Đại Chánh, Đại Lộc) thuộc diện hộ nghèo, khi đơn thân nuôi mẹ già và con đi học. Cách đây 2 năm, con trai học xong THPT, bà Ba mạnh dạn vay tiền cho con đi XKLĐ ở Nhật Bản. Đầu năm 2018, từ nguồn thu nhập con trai gửi về, bà Ba đã xây dựng căn nhà mới hơn 200 triệu đồng và đăng ký thoát nghèo bền vững năm 2018. Kết quả rà soát của xã Đại Chánh trong năm 2018, hộ bà Ba đã thoát nghèo. Bà Ba khẳng định, nhờ nguồn tiền của con trai đi XKLĐ gửi về mới đủ điều kiện xây dựng nhà ở kiên cố, phát triển kinh tế gia đình để thoát nghèo bền vững.
Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, số LĐ của tỉnh tham gia XKLĐ vẫn còn thấp so với lực lượng LĐ hiện có. Trong khi đó, nhiều LĐ của tỉnh có mong muốn đi XKLĐ nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, lại không thuộc các diện được hỗ trợ vay vốn theo quy định của Chính phủ. “Chi phí bình quân để đi XKLĐ sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc từ 100 - 150 triệu đồng, vì thế nhiều LĐ nếu không vay được nguồn vốn không thể đi XKLĐ được. Nên chính sách nếu được thông qua lần này sẽ là động lực, điều kiện mở ra cơ hội giúp nhiều LĐ của tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, cũng là một trong những con đường giảm nghèo hiệu quả” - ông Thùy nói.
Theo dự thảo đề án, người LĐ có nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ chi phí học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết theo chi phí thực tế, tối đa 2 triệu đồng/người/khóa học. LĐ sẽ được vay vốn từ ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, với mức vay tối đa 100 triệu đồng không cần thế chấp tài sản đối với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, được UBND cấp xã xác nhận, có hợp đồng LĐ với đơn vị đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài... Điều đáng nói, liên quan đến vấn đề cho vay vốn đi XKLĐ, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh từng khẳng định, người LĐ đi làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc vay vốn của đơn vị không hề để nợ xấu, nhiều trường hợp trả nợ chỉ sau hơn 1 năm đi làm việc ở các nước trên.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh, XKLĐ là con đường giảm nghèo khá hiệu quả, nếu hộ nghèo hay hộ có hoàn cảnh khó khăn đủ điều kiện được đi XKLĐ. Hiện nay, cơ hội đi XKLĐ của LĐ khá rộng mở, khi Nhật Bản và Hàn Quốc đều có những sự ưu tiên dành cho LĐ của Việt Nam, trong đó có LĐ của tỉnh, nhờ vào việc chấp hành pháp luật tốt ở các nước này. Đồng thời cho rằng, nếu dự thảo đề án này được HĐND tỉnh xem xét thông qua sẽ tạo điều kiện và thúc đẩy người LĐ của tỉnh đi XKLĐ nhiều hơn trong thời gian tới.
Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cơ bản thống nhất với dự thảo đề án; đồng thời yêu cầu Sở LĐ-TB&XH - đơn vị soạn thảo xem lại những nội dung Ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh đã yêu cầu làm rõ. Dự thảo cần phân tích cụ thể đối tượng được hỗ trợ học nghề, học ngoại ngữ cụ thể, không để xảy ra trùng đối tượng mà chính sách trung ương đã hỗ trợ, từ đó tính được nguồn kinh phí hỗ trợ mà ngân sách tỉnh phải xem xét. Về hỗ trợ vay vốn đi XKLĐ, cũng cần phân tích rõ đối tượng nào thuộc diện được hỗ trợ vay 50 triệu đồng theo chính sách của trung ương thì ngân sách tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ vay thêm 50 triệu đồng; đối với trường hợp vay 100 triệu đồng cũng cần xem xét LĐ thuộc đối tượng nào sẽ được vay nguồn vốn này. Ngoài ra cần có phương án hoàn vốn và chế tài xử lý khi LĐ vay không cần thế chấp tài sản.
DIỄM LỆ