Cần thống nhất cách viết và đọc tiếng Cơ Tu

LÊ NGUYỄN 16/06/2013 08:57

Vừa qua, một đài truyền hình phát phóng sự chuyên đề “Vũ điệu dâng trời”, phản ánh về điệu dân vũ đặc trưng của đồng bào Cơ Tu ở Quảng Nam. Vũ điệu dâng trời là cách ví von rất... hình ảnh về điệu múa mà đàn ông và phụ nữ Cơ Tu biểu diễn cùng nhịp trống chiêng trong các lễ hội lớn của làng.

Nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì người đọc lời bình trong phóng sự chuyên đề “Vũ điệu dâng trời” gọi điệu dân vũ này bằng cái tên lạ hoắc: vũ điệu “tung tung dạ dạ” (đọc). Sau khi xem xong chương trình, đồng nghiệp chúng tôi có cuộc tranh luận về tên gọi điệu dân vũ này, nhưng không đến đâu, cuối cùng phải cậy đến chuyên gia. Gọi điện cho một vị tiến sĩ chuyên nghiên cứu về văn hóa các dân tộc thiểu số Trường Sơn - Tây Nguyên (có một số công trình về văn hóa của đồng bào Cơ Tu Quảng Nam), ông khẳng định vũ điệu dâng trời chính là vũ điệu “tung tung da dá” (đọc) có mặt trong hầu hết lễ hội văn hóa của đồng bào Cơ Tu. Hỏi tiếp, vậy viết ra chữ thế nào thì ông lại ngập ngừng, bảo là “tung tung ya yá” (viết).

Vũ điệu tân’tung - da’dă ở làng Bhờ Hôồng, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang. Ảnh: L.P.L.N
Vũ điệu tân’tung - da’dă ở làng Bhờ Hôồng, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang. Ảnh: L.P.L.N

Vẫn chưa yên tâm nên chúng tôi đã tra cứu nhiều sách, báo, tạp chí, văn bản... liên quan đến ngôn ngữ và văn hóa của người Cơ Tu, thấy cách viết (gọi tên) điệu dân vũ này không đồng nhất, lúc thì tung tung da dá, khi thì tâng tung da dă, lại có khi là tung tung da dá hay tung tung ya yá, tung tung za zá, tân’tung da’dă... Theo ông Nguyễn Văn Sơn, trong bài viết “Múa tung tung da dá của người Cơ Tu, di sản phi vật thể cần được bảo tồn” (đăng trên trang http://namgiang.gov.vn), “tung  tung” theo tiếng Cơ Tu là điệu múa của đàn ông, có nghĩa là vươn lên cao, sôi động hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa và vững chãi hơn nữa…; còn “da dá” là điệu múa của phụ nữ, có nghĩa là thẳng hàng, nhịp đều, mang ý nghĩa là đón đợi, ơn đất nghĩa trời, trung thành với người, thương trên nhường dưới, nâng đỡ kẻ yếu… Để thể hiện điệu múa da dá mang đặc trưng bản sắc dân tộc, phụ nữ Cơ Tu mặc y phục dệt bằng thổ cẩm nhiều hoa văn với những sắc màu sinh động, vai trần lộ, cổ đeo vòng cườm, hai tay đưa lên ngang vai, cánh tay vuông góc song song với thân mình, bàn tay ngửa, thẳng ngón về phía sau thể hiện sự mừng rỡ đón đợi vật thiêng... Theo cách giải thích của ông Nguyễn Văn Sơn và một số nghiên cứu khác, chúng ta có thể hình dung chỉ có điệu múa của phụ nữ Cơ Tu mới hàm nghĩa là “dâng trời”.

“Do mặt bằng văn hóa của người miền núi chưa cao, người dân sống rải rác nên mỗi vùng, miền đều có những sự khác biệt trong ngôn ngữ, đời sống... Thống nhất chữ viết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày cũng như lưu giữ những giá trị đặc sắc của văn hóa bản địa của đồng bào Cơ Tu”.
(Ông Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang)

Trở lại vấn đề “định danh” điệu dân vũ nổi tiếng của người Cơ Tu, ông Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang khẳng định, phải viết (đọc) là tân’tung - da’dă. Viết như vậy mới đúng với cách thức điệu dân vũ của nam và nữ, cũng như âm sắc khi gọi điệu dân vũ này của người Cơ Tu. Theo ông Bh’riu Liếc, trong tiếng nói của người Cơ Tu thường có những từ có nhấn trọng âm nên khi sáng tạo chữ viết của người Cơ Tu trong giai đoạn hoạt động cách mạng ở núi rừng vùng Tây Quảng Nam, ông Quách Xân (Cónh Axơớp) đã sử dụng cách viết có dấu nhấn (’) này. Ví dụ như Cơ Tu thì viết thành C’tu, cr’noon (làng), ba’boóch (nói lý/hát lý), Pơr’ning (tên một làng của xã Lăng), Tr’hy (tên một xã ở khu 7) v.v. Tất nhiên, cách viết chữ Cơ Tu của ông Bh’riu Liếc cũng như nhiều người Cơ Tu ở Quảng Nam có rất nhiều chỗ không đồng nhất với cách viết trong các công trình “Pơraq Kơtu” (Tiếng Cơ Tu) và “Từ điển Cơ Tu - Việt, Việt - Cơ Tu” do Sở KH&CN Quảng Nam phối hợp với Viện Ngôn ngữ học Việt Nam xuất bản vào các năm 2006 và 2007. Chính vì thế mà viết và đọc đúng tiếng Cơ Tu quả là rất khó khăn đối với nhiều người không am hiểu về văn hóa và chữ viết của đồng bào Cơ Tu.

Thế nhưng, người đọc lời bình phóng sự “Vũ điệu dâng trời” là “tung tung - dạ dạ” là trường hợp... cá biệt, không thể nói là lỗi do cách viết (đọc) không đồng nhất về tiếng Cơ Tu. Còn rất nhiều trường hợp viết sai địa danh và tộc họ ở vùng đồng bào Cơ Tu xuất hiện nhan nhản trên các báo, tạp chí..., như Bhờ Hôồng viết theo kiểu lấy âm mà đọc thành Bờ Hòn; tên ông Bh’riu Liếc lại viết thành Bríu Liếc, có người viết là Bh’ríu Liếc, và rất nhiều ví dụ khác. Những cái sai này là do viết ẩu.

Ngay sau khi chia tách, huyện Tây Giang đã rất chú trọng đến việc viết đúng các địa danh, tộc họ Cơ Tu... trên địa bàn huyện. Năm 2007, Huyện ủy Tây Giang đã có công văn gửi các cơ quan, đơn vị tỉnh và huyện về việc viết đúng những tộc họ, địa danh cơ bản ở Tây Giang. Các huyện Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang cũng tổ chức những lớp học tiếng Cơ Tu cho những cán bộ người Kinh đang công trong các cơ quan, đơn vị, đoàn thể trên địa bàn. Ngày 9.3.2012, đại diện lãnh đạo 3 huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang đã tổ chức hội thảo và đi đến thống nhất chữ viết Cơ Tu cho 3 huyện. Tại hội thảo, các nhà quản lý, nghệ nhân, già làng, nhà nghiên cứu văn hóa cũng như chữ viết của người Cơ Tu đã thảo luận và thống nhất một số tổ phụ âm, sử dụng dấu trọng âm, sử dụng các dấu theo quy ước, xây dựng hệ thống ngữ âm tiêu chuẩn tiếng Cơ Tu, dựa trên cơ sở nguyên bản chữ Cơ Tu do ông Quách Xân sáng tạo vào năm 1956, để đi đến thống nhất các quy ước về chữ viết Cơ Tu.

LÊ NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần thống nhất cách viết và đọc tiếng Cơ Tu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO