Dự họp báo công bố chương trình Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022, có cảm xúc thật hồ hởi khi nghe có tới 192 sự kiện, hoạt động; trong đó có 10 hoạt động tầm quốc gia; 62 sự kiện do tỉnh Quảng Nam tổ chức theo 6 chương trình diễn ra xuyên suốt năm 2022 và 120 sự kiện, hoạt động hưởng ứng do 40 tỉnh thành tổ chức.
Hồ hởi vì nỗi đợi chờ dồn nén quá lâu với sự mong đợi cho du lịch phục hồi. Hẳn chờ mong là rất lớn đối với 843 cơ sở lưu trú của Quảng Nam, trong đó có 52 khách sạn từ 3 đến 5 sao (7.400 phòng); 80 đơn vị lữ hành sẵn sàng phục vụ du khách.
Hồ hởi vì dù ngoài trời đang rét, Covid đang lan tràn trong cộng đồng, nhưng dự là sẽ có hoạt động khôi phục đường bay quốc tế và các con đường kết nối khác để thông tuyến vận tải người và hàng hóa.
Nhiều tờ báo đưa tin về dự tính số lượng khách đón trong Năm du lịch quốc gia, có tính ước đoán là 4, 5 hay 6 triệu lượt. Ấy chỉ là cách “đếm cua trong giỏ” với kỳ vọng của các nhà tổ chức thôi, vấn đề chính hướng tới là kích cầu du lịch phục hồi để qua đó sẽ có dòng thu nhập xã hội.
Thử nhìn Hội An, du lịch đóng băng thì công ăn việc làm cho bao nhiêu thứ dịch vụ buôn bán, kinh doanh khác cũng gần như tê liệt. Vậy nên hâm lại bầu khí quyển du lịch bằng mức nhiệt tỏa ra từ các lễ hội, festival văn hóa, nghệ thuật, thể thao… là sự cần thiết để đem lại hơi thở “bình thường mới” cho đời sống kinh tế - xã hội.
Không kể ra đây đầy đủ lễ hội, sự kiện sẽ tổ chức, nhưng điểm nhấn của Quảng Nam – điểm đến du lịch xanh, là khơi dậy hành trình dài với định hướng tầm xa cho du lịch. Vậy nên người viết bài này miên man nghĩ về cách làm không chỉ có ý nghĩa thời vụ, mà cần các dự án, đề án phát triển du lịch dựa trên nền tảng cân bằng 3 trụ cột “môi trường – cộng đồng – kinh tế”.
Theo đó, các điểm đến du lịch làm sao giúp cho nhiều thanh niên, phụ nữ tại địa phương có công ăn việc làm ổn định và tái tạo được tài nguyên thiên nhiên. Và ở đó, ngay trên đồng quê xứ Quảng, bên cạnh các khu di sản Hội An, Mỹ Sơn, sẽ có nhiều sản phẩm vừa là thành quả sản xuất nông nghiệp vừa có thể phục vụ du lịch. Mô hình có thể như làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú (Điện Bàn), Thanh Đông, Trà Quế (Hội An)…
Ở Cẩm Phú, mùa xuân này tươi thắm một không gian xanh, và nếu khách dừng chân nơi Bến Phẩm là thấy cả khung trời ngập tràn sắc hoa, chong chóng, nón lá, khu ẩm thực, khu trò chơi, nhà nông cụ... Có gì đó rất gần gũi, đơn giản như “vị quê nhà” mà là loại hình du lịch đồng quê có thể rất hút khách thời dịch giã, bởi họ cần sự thoáng rộng, hít thở bầu không khí trong lành và trải nghiệm sắc hương đồng cỏ nội.
Lại nghĩ đến những sự lãng đãng qua các con đường kết nối. Từ Hội An, lên Mỹ Sơn, hay đến các làng miền núi, hoặc vào tận Chu Lai, đằng nào cũng phải đi qua những cung đường xuyên khắp làng mạc xóm thôn. Cảnh quan đồng quê cần tô thắm bằng nhiều hoa lá xanh tươi. Do vậy ngay từ bây giờ các địa phương cần tiếp tục xúc tiến những dự án đường xanh, đường hoa vốn đã dậy lên phong trào trong nhiều năm qua.
Đơn cử như mô hình đã có ở Duy Xuyên, 14 xã, thị trấn trong huyện đều xây dựng tuyến đường hoa. Hay như con đường độc đáo như lối vào làng Cửa Khe (Bình Dương, Thăng Bình), có 52 chum muối mắm được tận dụng để vẽ tranh và trồng hoa rực rỡ. Làm thế nào để bây giờ tiếp tục thực hiện dự định hình thành trên cả tỉnh 1.500km đường hoa? Hãy bắt đầu như những cách làm đã kể.
Du lịch xanh, ít ra là từ cảnh quan xanh, trong lành. Hoa cỏ đồng quê sẽ góp phần cho bản hợp xướng du lịch thêm sắc màu ấn tượng.