(QNO) - Sáng 7.12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Các Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng cùng đại diện các bộ, ban ngành trung ương và địa phương tham dự hội nghị. Tại đầu cầu Quảng Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn chủ trì hội nghị.
Sự phát triển mạnh về công nghiệp đang đặt ra áp lực về nhu cầu nhà ở cho công nhân khá lớn tại Quảng Nam (ảnh minh họa). |
Khoảng 1,5 triệu công nhân cần nhà ở
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, từ 2009 đến nay, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 179 dự án phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp (KCN), với quy mô xây dựng khoảng 71.150 căn hộ. Nhưng việc phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo, người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân các KCN chưa đáp ứng nhu cầu, chưa đạt chỉ tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. So với chỉ tiêu số lượng nhà ở xã hội tại đô thị và KCN đến năm 2020 đã đề ra tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (khoảng 250 nghìn căn hộ) thì đến thời điểm hiện tại, việc phát triển nhà ở xã hội cho đô thị và KCN mới chỉ giải quyết được khoảng 28%.
Bên cạnh thủ tục, chính sách, vốn… thì sự quan tâm chưa đúng mức của các địa phương về phát triển nhà ở xã hội được nhìn nhận là nguyên nhân chính khiến việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa đáp ứng nhu cầu. Cụ thể, các địa phương chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm theo quy định của pháp luật; đồng thời chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội; chưa thực hiện nghiêm quy định giành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội; chưa quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các dự án nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách địa phương…
Theo ông Đặng Quang Điều – Trưởng ban Chính sách, KT-XH và thi đua khen thưởng (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cả nước có khoảng 2,8 triệu công nhân lao động tại các KCN, trong đó 1,7 triệu công nhân có nhu cầu nhà ở, nhưng thực tế hiện nay chỉ giải quyết từ 8-10%, còn khoảng 1,5 triệu công nhân phải thuê nhà ở. Ông Điều cũng cho biết, trước nhu cầu cấp thiết về nhà ở cho công nhân, hàng chục năm nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam liên tục kiến nghị nhưng việc triển khai vẫn rất chậm. Câu hỏi đặt ra là vì sao chủ trương, đường lối về nhà ở xã hội đã rất rõ, đầy đủ (như Luật Nhà ở 2014, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến 2020, Nghị định 100 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội…); đất đai rộng, nhu cầu bức thiết nhưng việc phát triển nhà ở xã hội chậm, nhất là nhà ở công nhân KCN, người dân đô thị?
Tại Quảng Nam, việc xây dựng nhà ở xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật, nhất là nhà ở cho người nghèo, nhà cho đối tượng chính sách, nhưng nhà ở cho công nhân KCN và nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị chưa thực sự được quan tâm. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho biết, hiện cả tỉnh có khoảng 55 nghìn công nhân trong các KCN, nhưng chỉ có 16 nghìn công nhân tự lo được nhà ở, khoảng 24 nghìn công nhân đang có nhu cầu về nhà ở. Dự kiến, sau khi các dự án nhà ở công nhân (đang triển khai) hoàn thành trong 1, 2 năm tới cũng chỉ đáp ứng nhà ở cho khoảng 15% số lượng công nhân (3.600/24 nghìn công nhân). Ngoài ra, hiện toàn tỉnh có khoảng 30% người thu nhập thấp ở đô thị có chỗ ở, còn khoảng 8.400 người chưa có chỗ ở.
Hiện chỉ có một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong KCN tại Quảng Nam - Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng đang tiến hành xây dựng khu nhà ở công nhân, với quy mô 400 phòng, giải quyết chỗ ở khoảng 3.200 công nhân. Ảnh: VINH ANH |
Lưu ý về các thiết chế văn hóa
Trước vấn đề bức thiết về nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, nếu bây giờ không quan tâm đúng mức về nhà ở xã hội thì năm, mười năm tới sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Do đó, đây là trách nhiệm của cả nước, đặc biệt là các địa phương có KCN lớn. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, địa phương dù cố gắng mấy thì cũng không thể giải quyết được mà phải bằng một chính sách hết sức tập trung. Cái quan trọng là đất để thực hiện nhà ở xã hội, nhưng không phải địa phương nào cũng có ngân sách để giải phóng mặt bằng. Cùng với đó là cần một chương trình hỗ trợ lãi suất cho chủ đầu tư. Nên dành một phần ngân sách chính thức từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp để thực hiện nhà ở xã hội. Hiện chúng ta còn hàng triệu tỷ đồng trong các doanh nghiệp nhà nước nhưng nếu không cẩn thận, khi thoái vốn tập trung hết vào các dự án đường sá, cầu cảng… mà quên mất nhà ở xã hội.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, một vấn đề cần lưu ý, đó là tại các KCN, nếu thuần túy chỉ làm nhà ở công nhân mà không chú ý đến các thiết chế văn hóa xã hội như làm nhà ở khu đô thị thì rất nguy hiểm. Hiện, phần nhiều các dự án nhà ở xã hội chưa chú ý đến vấn đề này, nên “tuổi thọ” chỉ được 10-15 năm là cao, nhất là các nơi có quy mô lớn nếu không đề phòng thì sau này sau 15-20 năm sẽ thành các dạng “khu ổ chuột” kiểu mới. Đồng chí Vũ Đức Đam đánh giá cao đề án của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về xây dựng các thiết chế văn hóa như nhà ở, nhà trẻ, trạm y tế, siêu thị, sân thể thể… cho công nhân ở các KCN với hình thức đầu tư 50/50 (trung ương đầu tư, địa phương chịu chi phí về đất đai, hạ tầng…). Đồng thời lưu ý, bên cạnh xây dựng nhà ở xã hội để để bán, cho thuê, thì không thể quên những nhà dân xây các khu nhà ở gần KCN để kinh doanh cho thuê. Bởi, hiện chúng ta chưa có chế độ gì để hỗ trợ cho đối tượng này. Ngoài ra thì không quên hỗ trợ tính dụng cho người mua nhà ở xã hội.
Kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cấp địa phương là cấp quyết định, có vai trò quan trọng trong vấn đề xây dựng nhà ở xã hội. Do đó, các cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo chủ chốt địa phương và các ban ngành cần phải quan tâm, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ sau hội nghị về nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân. Bởi, đầu tư nhà ở xã hội là đầu tư cho phát triển chứ không phải đầu tư cho tiêu dùng bình thường. Quan điểm của Chính phủ là phát triển nhà ở không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà của cả xã hội. |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao các địa phương Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, TP.Hà Nội, Đồng Nai… và các doanh nghiệp đã chung tay với Nhà nước trong việc xây dựng nhà ở xã hội. Đồng thời để nghị các bộ, ngành trung ương phải có những giải pháp quyết liệt, kịp thời, nhất là Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội… để tham mưu Chính phủ, giải quyết tốt vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong thời gian tới. Trong quá trình thực hiện cần lưu ý, việc xây nhà ở cho người có thu nhập thấp nhưng chất lượng không được thấp - nghĩa là phải chú ý đến chất lượng nhà ở và các thiết chế văn hóa đi kèm. Quốc hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội cần tăng cường giám sát chính sách về nhà ở xã hội... VINH ANH