Yến sào là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng nên có giá trị kinh tế đặc biệt cao. Lợi dụng điều này nhiều người đã làm giả, làm nhái, trộn chất phụ gia để tăng khối lượng khiến người mua bị lừa, tiền mất tật mang...
Khoa học đã chứng minh hàm lượng dinh dưỡng trong yến sào rất cao, với hơn 50% protein không béo, 18 loại axit amin và 31 nguyên tố vi lượng. Yến sào có tác dụng đặc biệt trong bồi bổ cơ thể, tăng cường sinh lực, rất tốt cho sức khỏe của con người. Tác dụng nhiều, sản xuất ra được tổ yến khó khăn nên giá trị kinh tế của yến sào rất cao. Giá thị trường của yến sào Hội An loại thấp nhất hiện nay ở mức khoảng 7 - 8 triệu đồng/lạng, cao nhất là vài chục triệu đồng mỗi lạng. Yến nuôi giá thấp hơn nhưng cũng ở mức 4 triệu đồng/lạng. Vì mức giá hấp dẫn của loại thực phẩm này nên một số kẻ gian đã nghĩ ra hàng loạt cách thức để tăng trọng lượng của tổ yến, qua đó tăng giá thành. Trên các diễn đàn yến sào, ngoài việc bày các cách chế biến yến sào cho đúng còn thảo luận về chuyện yến giả tràn lan. Trước tình trạng đó, các công ty yến sào phải tự cứu mình bằng cách giới thiệu cho người tiêu dùng những thông tin về tổ yến giả, chiêu thức làm yến sào giả cũng như kinh nghiệm phân biệt hàng thật, hàng nhái.
Sản phẩm của các cơ sở nuôi yến thường bỏ qua khâu kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: P.A |
Hiện nay, tại Quảng Nam tuy chưa phát hiện cơ sở làm yến giả nhưng số lượng người mua yến bị làm kém chất lượng không ít. “Khi mua rất khó phát hiện đâu là yến sào thật, đâu là yến sào giả. Chỉ đến khi chế biến mới biết bị lừa. Với sản phẩm kém chất lượng, gia đình tôi không dám sử dụng, dù mua với giá cao” - chị Lệ Uyên (nhân viên Viettel, chi nhánh Quảng Nam) chia sẻ.
Chính vì hiện tượng yến bị độn thêm tạp chất để tăng trọng lượng hay sử dụng công nghệ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên nhiều người đã chuyển qua sử dụng yến thô (tức chưa qua sơ chế) để hạn chế mua nhầm hàng kém chất lượng. Chủ cơ sở yến Bảo Trâm (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) chia sẻ: “Để có một tổ yến nguyên chất, hợp vệ sinh phải trải qua nhiều công đoạn xử lý. Với những công ty chuyên sản xuất tổ yến phải yêu cầu đưa đến các cơ quan chức năng kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng, sau đó mới được đưa đi tiêu thụ. Tuy nhiên, với cơ sở nhỏ lẻ như chúng tôi chủ yếu bán cho người thân, quen biết trong vùng, được tin tưởng nên mọi người cũng không yêu cầu giai đoạn kiểm nghiệm nêu trên”. Được biết, mô hình nuôi yến lấy tổ hiện nay phát triển ở nhiều địa phương, trong đó có Quảng Nam. Vì giá thành yến nuôi không cao nên số người mua dùng tương đối nhiều. Tuy nhiên, việc xuất hiện quá nhiều nguồn cung cấp sản phẩm này nên việc thẩm định trở nên khó khăn. Điều đáng lo là hiện vẫn chưa thấy cơ quan chức năng nào đặt vấn đề kiểm tra, kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng của các loại tổ yến trên thị trường.
PHAN AN