Không chỉ “hoa mắt” vì giá gas lên xuống thất thường cùng đa dạng các loại hình cung ứng kinh doanh các mặt hàng khí hóa lỏng, người tiêu dùng đang phân vân và cân nhắc khi lựa chọn...
Nhiều kẽ hở vi phạm
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có hàng chục cơ sở kinh doanh gas - khí hóa lỏng. Các cửa hàng này đều ký hợp đồng phân phối với các hãng gas để đưa tận bếp người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phân phối, cả nhà cung cấp gas lẫn cửa hàng cung ứng đều cố tình lờ đi các điều khoản về chất lượng vỏ bình, giá niêm yết, đảm bảo an toàn trong hợp đồng phân phối kinh doanh. Chị Nguyễn Thị Hồng Hoa - đường Trần Nhật Duật, khu phố mới Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ, nói: “Vốn quen dùng bếp gas từ nhiều năm nay nên cửa hàng gas cũng được gia đình lựa chọn kỹ bởi thấy nhiều sự cố nguy hiểm từ bình gas. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cửa hàng vẫn đem bình gas cũ, trầy tróc khá nhiều bên ngoài khiến chúng tôi bất an trong suốt thời gian dùng bình gas đó”. Đây đang là tình trạng chung, phổ biến. Trước tình huống nhân viên giao bình gas mới nhận lại bình cũ, trầy xước nhiều người biết quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) thì nhất quyết yêu cầu đổi bình mới. Nhưng cũng rất nhiều khách hàng dễ tính hoặc không để ý thì vô tình sống chung với những quả bom lửa mà không hay hề biết.
Kiểm tra một cơ sở kinh doanh gas - khí hóa lỏng. Ảnh: T.ANH |
Điều đáng nói, việc bình gas cũ, trầy, còn hạn sử dụng được hay không thì chính những công ty gas biết rõ nhưng vì lợi nhuận nên họ cố tình bỏ qua quyền lợi người tiêu dùng. Hoặc phó mặc cho đại lý, không kiểm tra các đại lý của mình có phân phối đúng hàng hóa và chất lượng có bị thay đổi hay không. Chính điều này là kẽ hở cho các đối tượng, đại lý không nghiêm chỉnh chấp hành và tiếp tay cho các hành vi gian lận thương mại. Việc phân phối các bình gas cũ cũng là một chiêu để ăn gian trọng lượng gas. Bởi điều này dễ dàng qua mắt người tiêu dùng nếu không kiểm tra kỹ như: nhập nhèm màu sắc logo bằng việc sơn lại bình khiến khách hàng không biết mình đang dùng loại nào để kiểm tra giá cả. Đó là chưa kể, ở một số nơi, đặc biệt là các xã vùng sâu vùng xa xảy ra tình trạng một số cơ sở kinh doanh gas trái phép. Những cơ sở này hoàn toàn không có giấy phép kinh doanh, không ký hợp đồng phân phối nhưng vẫn kinh doanh với suy nghĩ rất đơn giản: người tiêu dùng kêu gas ở các cơ sở lớn thường lâu nên đem về bán vừa kiếm lời, vừa phục vụ bà con mà quên mất những quy định nghiêm ngặt trong kinh doanh mặt hàng cháy nổ này.
Riêng với các loại bình gas mini, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Bộ Công thương thì chỉ dùng một lần. Tuy nhiên, các bình gas cũ vẫn được bày bán công khai và nhan nhãn trong các quầy tạp hóa. “Tôi không biết quy định gì về việc buôn bán các bình gas nhỏ này vì không thấy ai nhắc nhở hay nhận thông tin phản hồi nào cả. Học sinh, sinh viên có nhu cầu, có đại lý bỏ mối thì tôi lấy về bán thôi”, chị Nguyễn Thị Nga - chủ cửa hàng tạp hóa đường Nguyễn Thái Học (TP.Tam Kỳ) cho biết.
Kiểm soát
Để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng nên chọn nhà cung cấp có uy tín, sử dụng bình gas của những hãng lớn có uy tín. Bình có độ bền và an toàn cao. Kiểm tra cẩn thận trọng lượng bình gas; Sử dụng van điều áp, ống mềm chuyên dùng cho gas và có chất lượng tốt, nên dùng ống mềm có bảo vệ chống cháy, chống chuột cắn; Khi nhân viên của cửa hàng đem gas đến phải kiểm tra bình về hạn sử dụng, có dấu hiệu bị gỉ sắt ăn mòn kim loại, bình kém chất lượng không; Trong quá trình nhân viên của cửa hàng hoặc đại lý lắp đặt bình gas cần kiểm tra xem họ làm đúng quy trình không (chú ý kiểm tra thử xì, bật bếp gas để kiểm tra ngọn lửa, tắt bếp gas đúng quy trình để xem van có kín không); Trong quá trình sử dụng thường xuyên kiểm tra sự rò rỉ gas, thực hiện đúng quy trình mở bếp/tắt bếp gas an toàn… |
Thời gian vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành 127 của tỉnh đã tiến hành kiểm tra tại 9 cơ sở kinh doanh mặt hàng gas, khí hóa lỏng. Phần lớn cơ sở được kiểm tra đều thực hiện tốt các quy định trong kinh doanh khí hóa lỏng theo quy định tại Nghị định 107/2009/NĐ-CP ngày 26.11.2009 của Chính phủ như: có đăng ký kinh doanh LPG (Liquefied Petroleum Gas - hỗn hợp hydrocarbon ở thể khí, là một chất tồn tại ở các mỏ dầu, mỏ khí) giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh LPG, ký hợp đồng tổng đại lý, đại lý với thương nhân với kinh doanh LPG đầu mối, đào tạo huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên tại cơ sở, niêm yết giá hàng hóa tại cửa hàng. Tuy vậy, vẫn còn một số cơ sở chưa thực hiện niêm yết giá tại cửa hàng (3 vụ), không đào tạo huấn luyện nghiệp vụ cho nhân viên làm việc tại cơ sở (1 vụ); ký hợp đồng làm tổng đại lý, đại lý vượt quá số lượng thương nhân kinh doanh LPG đầu mối (2 vụ). Nổi bật là trường hợp của công ty TNHH một thành viên Gas Chính (565 Phan Châu Trinh, TP.Tam Kỳ). Tại đây, đoàn kiểm tra đã phát hiện chủ doanh nghiệp đã chứa lượng gas lớn hơn mức quy định nhiều lần và ký hợp đồng làm đại lý vượt quá số lượng thương nhân kinh doanh LPG đầu mối. Hay trường hợp của cửa hàng kinh doanh gas Nguyệt Xuân (khối 3 thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành) cũng ký hợp đồng làm thương nhân đầu mối quá số lượng cho phép và không niêm yết giá tại cửa hàng…
Ông Đặng Xuân Thanh - Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành 127, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường, cho biết: “Sau gần 2 tháng kiểm tra, riêng ngành gas - khí hóa lỏng với 9 cơ sở cho thấy hầu hết cửa hàng đều chưa thực hiện, hoặc có thực hiện nhưng chưa đúng theo quy định đăng ký giá với cơ quan chức năng theo Quyết định số 35/2011/QĐ-UBND ngày 28.11.2011 của UBND tỉnh Quảng Nam (08/09 cơ sở). Đoàn kiểm tra đã hướng dẫn hồ sơ, thủ tục thực hiện và yêu cầu chủ cơ sở thực hiện đăng ký giá với cơ quan chức năng theo quy định”. Ngoài ra, ý kiến từ đoàn kiểm tra cũng cho thấy, hầu hết các cửa hàng bán LPG không đảm bảo điều kiện về phòng cháy chữa cháy theo quy định như hệ thống điện không đảm bảo an toàn, lượng LPG chứa tại cửa hàng vượt quá lượng quy định…Đoàn kiểm tra liên ngành 127 đã nhắc nhở và yêu cầu chủ cơ sở thực hiện các quy định về phòng cháy chữa cháy tại cửa hàng theo tiêu chuẩn Việt Nam 6223:2011
CHIÊU THỤC ANH