Cần trồng lại rừng đã mất do sạt lở

TRẦN HỮU 17/05/2022 06:39

Nhiều diện tích rừng tự nhiên ở các địa phương miền núi trong tỉnh giảm mạnh mà theo ngành nông nghiệp có nguyên nhân từ sạt lở đất do mưa bão thời gian qua. Cho nên kế hoạch phục hồi rừng ở khu vực này cần được tính toán hợp lý và đầu tư hiệu quả.

Phần lớn các khu vực sạt lở do mưa bão năm 2020 đến nay vẫn chưa trồng lại rừng thay thế. TRONG ẢNH: Điểm sạt lở gần quốc lộ 40B, đoạn qua huyện Bắc Trà My. Ảnh: HP
Phần lớn các khu vực sạt lở do mưa bão năm 2020 đến nay vẫn chưa trồng lại rừng thay thế. TRONG ẢNH: Điểm sạt lở gần quốc lộ 40B, đoạn qua huyện Bắc Trà My. Ảnh: HP

Thiệt hại do thiên tai

Lý giải một trong những nguyên nhân làm giảm diện tích rừng tự nhiên, Sở NN&PTNT cho rằng, cuối năm 2020, do mưa bão kéo dài, đặc biệt là trong tháng 10.2020 gây sạt lở nên nhiều diện tích rừng tự nhiên bị giảm.

Do tình hình thời tiết mưa bão phức tạp nên đến năm 2021, các địa phương mới tiếp cận hiện trường để tổ chức đo đếm, cập nhật vào hệ thống theo dõi diễn biến rừng năm 2021 với diện tích rừng tự nhiên bị giảm hơn 1.992ha. Cụ thể: Phước Sơn 1.636ha, Nam Trà My 127,65ha, Bắc Trà My 109,13ha, Tây Giang 108,5ha và Nam Giang (10,78ha).

Sau hơn 2 năm xảy ra thảm họa sạt lở đất đá, 3 xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc (Phước Sơn) vẫn còn ngổn ngang quá trình khắc phục hậu quả; địa hình núi rừng bây giờ vẫn còn nhiều dấu vết sạt lở nham nhở.

Ông Hồ Văn Phức - Chủ tịch UBND xã Phước Thành cho biết, hai năm qua, hầu như địa phương dành thời gian, nhân lực, nguồn lực cùng với các ngành chức năng của tỉnh, huyện dựng lại nhà, sắp xếp dân cư ổn định cho đồng bào; cùng với đó là khôi phục đất sản xuất đã bị mưa lũ tàn phá.

Việc trồng lại các khu vực sạt lở đã được các ngành chức năng tính toán nhưng thời điểm này chưa triển khai. Ở xã Phước Thành, thời gian qua ngoài chọn vị trí xây dựng khu tái định cư ít có nguy cơ sạt lở, thì trong các nguồn vốn “phi công trình” có kế hoạch phát triển rừng tự nhiên, tạo vành đai xanh bên các ngôi làng dân cư sinh sống.

Tại vùng cao Nam Trà My, không ít diện tích rừng tự nhiên bị mất do sạt lở đến nay vẫn chưa được trồng rừng thay thế.

Ông Nguyễn Vĩnh Hiền - Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My cho biết, ở vùng cao do địa hình có độ dốc cao, cây rừng tự nhiên đổ ngã do sạt lở đều bị mất hoàn toàn, ở khu vực sạt lở việc trồng lại rừng thay thế khó mang tính khả thi.

“Thời điểm này, ngành lâm nghiệp và UBND huyện Nam Trà My vẫn chưa có kế hoạch trồng lại rừng tự nhiên đã mất do sạt lở bởi mưa bão” - ông Hiền khẳng định.

Chủ động khắc phục

Tại Nam Trà My, người dân một số địa phương chủ động khắc phục hậu quả thiên tai trong việc trồng mới rừng thay thế.

Theo ông Nguyễn Vĩnh Hiền, trên địa bàn hệ sinh thái rừng đa dạng nằm quanh đỉnh núi Ngọc Linh, bởi nơi đây khi người dân có nguồn thu nhập ổn định từ trồng cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng, nhiều hộ gia đình đã chủ động mở rộng diện tích trồng rừng trên đất lâm nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn có một số địa phương, không trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, đã trồng lại rừng ngay sau khi bị sạt lở do mưa bão. Điển hình như các xã A Vương, A Nông, Bha Lêê, A Tiêng, A Xan (Tây Giang), chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Giang đã hướng dẫn người dân trồng lại chủng loại cây lim xanh, giổi xanh để giữ đất, chống sạt lở.

Hơn hai năm nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Giang trồng hơn 140ha rừng lim, giổi; đặc biệt năm 2020 xảy ra sạt lở nặng do mưa bão, chủ rừng trồng khoảng 100ha rừng lim tại 2 xã Lăng và A Xan.

Để hạn chế thấp nhất tình trang giảm rừng tự nhiên, mới đây UBND tỉnh ra văn bản yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nhất là chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên.

Triển khai Kế hoạch 5899 (ngày 9.10.2020) của UBND tỉnh để giải quyết quyền lợi cho người dân đối với đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp, đất ở thuộc quyền sử dụng hợp pháp của người dân nay thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh.

Kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích rừng bị phá, bị lấn chiếm sử dụng sai mục đích tại các ban quản lý rừng, doanh nghiệp, UBND cấp xã quản lý. Kiên quyết xử lý vi phạm, thu hồi và buộc khắc phục hậu quả, trồng lại rừng theo quy định của pháp luật. Trong chiến lược phát triển rừng đến năm 2030, chính quyền tỉnh ưu tiên tái tạo, phục hồi, bảo vệ, tái tạo rừng tự nhiên bằng cách gắn với phát triển kinh tế dưới tán rừng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần trồng lại rừng đã mất do sạt lở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO