Cẩn trọng lựa chọn máy lọc nước

CHIÊU THỤC ANH 06/05/2016 09:54

Khá nhiều gia đình đầu tư máy lọc nước để sử dụng vào mùa nắng nóng nhưng chưa hẳn ai cũng mua được sản phẩm đúng chất lượng, đúng giá trị số tiền họ bỏ ra.

Đa dạng

Trước cảnh báo mùa hè năm nay sẽ thiếu nước nên tranh thủ những ngày nghỉ, vợ chồng anh Đinh Văn Mạnh (khối phố Tứ Hà, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) ra Đà Nẵng tìm mua máy lọc nước. Sau khi khảo sát, anh Mạnh quyết định mua máy hiệu Kangaroo giá 4,6 triệu đồng tại một cửa hàng trên đường Điện Biên Phủ (TP.Đà Nẵng). Tuy nhiên, hơn nửa tháng sau, anh đến cửa hàng yêu cầu đổi máy khác vì máy bị lỗi liên tục mà không nhận được phản hồi, bảo trì thích đáng từ phía cửa hàng. “Hoặc là đổi máy khác cho tôi hoặc cho nhân viên đến bảo trì tận nhà trong thời gian nhất định, nếu không tôi sẽ làm việc với chủ cửa hàng và cơ quan chức năng liên quan để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” - anh Mạnh nói. Lý do anh Mạnh yêu cầu đổi vì nước sau khi lọc vẫn có mùi, cảm giác không được tinh khiết như quảng cáo và liên tục bị trục trặc. Trường hợp của chị Ngô Thị Phước (thôn 1, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước) là câu chuyện khác. Vì ngại mua nước bình không đảm bảo an toàn nên chị Phước mua máy lọc nước tại một cơ sở kinh doanh trên đường Phan Châu Trinh (TP.Tam Kỳ). Vì được quảng cáo là lọc được cả vi khuẩn nên vợ chồng chị cho con trẻ 4 tuổi ở nhà uống nước trực tiếp từ máy mà không qua khâu nấu sôi. Ngày hôm sau, cả gia đình hoảng hốt đưa bé nhập viện vì bị viêm đường tiêu hóa. Nguyên nhân được phát hiện do uống nước không an toàn.

Người tiêu dùng cần cân nhắc trước các thương hiệu máy lọc nước để có được chính sách hậu mãi tốt nhất. Ảnh: C.T.A
Người tiêu dùng cần cân nhắc trước các thương hiệu máy lọc nước để có được chính sách hậu mãi tốt nhất. Ảnh: C.T.A

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều thương hiệu máy lọc nước với mức giá khác nhau. Thậm chí, trên mạng có khá nhiều dịch vụ rao bán hàng máy lọc nước của Mỹ, Nhật, Malaysia, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore, Israel..., giá từ 2,5 triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Chủ cửa hàng điện máy Tuấn Sỹ (đường Trần Cao Vân, TP.Tam Kỳ) cho biết: “Tại cửa hàng của tôi, máy đắt nhất là của Malaysia với giá hơn 10 triệu đồng, còn dạng máy thông dụng được nhiều người tìm hiểu và hỏi mua là máy được nhập linh kiện từ nước ngoài về và lắp ráp tại Việt Nam với các nhãn hiệu như Kangaroo, Karofi... giá chỉ từ 3 - 5 triệu đồng”. Tuy nhiên, chính các chủ cửa hàng có bán máy lọc nước cũng thừa nhận, nếu không tìm hiểu kỹ trước khi mua, khách hàng sẽ rơi vào mê cung với hàng loạt thương hiệu. Theo quảng cáo trên mạng, máy lọc nước có thể loại bỏ canxi, máy lọc nước nano, máy lọc nước máy, máy lọc nước ngăn ngừa mỡ máu... Trong khi đó, không ít người tiêu dùng bị nhầm lẫn giữa máy lọc nước và bình lọc nước. Trường hợp em bé của gia đình chị Phước là một ví dụ. Bình lọc nước mà gia đình chị Phước mua về chỉ có tác dụng lọc thô, nghĩa là lọc các chất cặn mà mắt thường có thể nhìn thấy. Khi sử dụng bình này, người tiêu dùng vẫn phải đun sôi nước, để nguội và đổ vào bình. Còn máy lọc nước thì khác hẳn hoàn toàn. Máy lọc nước có nhiều công đoạn làm sạch, từ lọc thô đến lọc các độc tố trong nước và thẩm thấu ngược... Dạng nước sau khi được lọc qua máy lọc trở thành nước tinh khiết, giống như nước vẫn bán trên thị trường nhưng tốt hơn vì sử dụng tần suất thấp ngay tại gia đình.

Tránh tiền mất tật mang

Hiện nay, có khá nhiều gia đình ở các vùng nông thôn có nguồn nước bị nghi ngờ nhiễm phèn, nhiễm mặn rất lo ngại chất lượng nguồn nước. Nắm bắt được điều đó, nhân viên của các thương hiệu máy đến tận nhà giới thiệu, quảng cáo rằng dù nước có nhiễm mặn, nhiễm phèn nhưng có máy lọc nước là tinh khiết ngay. Vậy nên, dù máy có giá trị hơi lớn so với thu nhập bình quân hàng tháng nhưng người dân vẫn cố gắng mua. Nhưng nhiều trường hợp mua phải máy có chất lượng kém, không đúng như quảng cáo về chất lượng; các chính sách hậu mãi, bảo hành khiến người tiêu dùng vô cùng bức xúc. Tuy nhiên, theo tiết lộ của một nhân viên bán máy lọc nước có thương hiệu, phần lớn máy lọc nước bày bán trên thị trường không hề có nguồn gốc, xuất xứ sản xuất (không có dòng chữ Made in). Nhiều người tiêu dùng nhầm tưởng máy được sản xuất ở Mỹ vì thấy dòng chữ Member: Reverse Osmosix Filmtec - USA. Thực chất dòng chữ này không có nghĩa là máy được sản xuất ở Mỹ mà là nói về nguồn gốc xuất xứ về loại máy lọc nước do nhà khoa học Mỹ ORIRAJIN phát minh năm 1950. Từ Reverse Osmosix Filmtec - USA là kết hợp giữa tên của nhà khoa học trên và từ thẩm thấu ngược (Reverse Osmosix). Có lẽ vì không rõ xuất xứ không có cơ quan nào đảm bảo về độ an toàn kỹ thuật.

Theo ông Lê Cần - Phó Chi cục Quản lý thị trường, hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng phải đảm bảo các yếu tố như có nhãn hiệu hàng hóa (có tem nhập khẩu, có nơi sản xuất rõ ràng, thời hạn sản xuất, lô hàng hóa...) có hóa đơn chứng từ và có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng sản phẩm. Nếu người bán hàng không xuất trình được những giấy tờ trên thì đó là loại hàng hóa trôi nổi, chưa được kiểm định về chất lượng. Trong khi đó, theo tư vấn của nhân viên bán máy lọc nước có thương hiệu được ưa chuộng hiện nay, ngoài việc mua hàng chính hãng, người tiêu dùng có thể dựa vào một số chi tiết trên máy thông qua mắt thường. Hàng chính hãng khi nhìn vào thân máy bao giờ cũng thấy độ sắc nét và tinh xảo hơn. Hàng Trung Quốc có chất liệu thô, vết cắt không mịn. Điều đặc biệt mà người tiêu dùng cần lưu ý khi chuẩn bị mua máy lọc nước là cần đem mẫu nước tại nơi ở đi kiểm định xem nguồn nước đang sử dụng có nhiễm phèn, nhiễm mặn... hay không. Bởi, có nhiều thiết bị lọc nước chỉ chuyên lọc nước máy mà không lọc nước nhiễm phèn, nhiễm mặn.

CHIÊU THỤC ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cẩn trọng lựa chọn máy lọc nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO