Cẩn trọng nhân giống cây dược liệu

HOÀNG LIÊN 22/08/2018 06:59

Đề tài nghiên cứu “Điều tra hiện trạng, ứng dụng công nghệ sinh học để nhân giống và trồng thử nghiệm một số cây dược liệu có giá trị tại Quảng Nam” (PGS-TS. Bùi Văn Lệ chủ nhiệm) đã mở ra hướng đi mới trong nhân giống cây dược liệu nhưng cần khảo sát kỹ từng đối tượng cây trồng trước khi áp dụng.

Gian hàng sâm Ngọc Linh và cây dược liệu ở lễ hội sâm núi Ngọc Linh, Nam Trà My. Ảnh: H.L
Gian hàng sâm Ngọc Linh và cây dược liệu ở lễ hội sâm núi Ngọc Linh, Nam Trà My. Ảnh: H.L

Nhân giống hàng loạt

Đề tài “Điều tra hiện trạng, ứng dụng công nghệ sinh học để nhân giống và trồng thử nghiệm một số cây dược liệu có giá trị tại Quảng Nam” (PGS-TS. Bùi Văn Lệ chủ nhiệm, Công ty CP Khoa học công nghệ nông nghiệp Anh Đào chủ trì) vừa được Sở KH&CN nghiệm thu, thu hút nhiều ý kiến đánh giá của các nhà khoa học, nhà quản lý. Đề tài thực hiện 6 nội dung chính: điều tra, đánh giá hiện trạng cây dược liệu có giá trị tại Quảng Nam để đưa vào danh sách nhân giống và bảo tồn; nhân giống vô tính một số loài cây dược liệu có giá trị để phát triển trồng trên địa bàn tỉnh; lập 69 loài cây dược liệu cần đưa vào danh sách bảo tồn và trồng tại cơ sở ứng dụng công nghệ sinh học thuộc Trung tâm Ứng dụng và Thông tin KH&CN Quảng Nam; chọn 5 loài cây có giá trị cần nhân giống để ưu tiên phát triển; tiến hành nhân giống ở giai đoạn khử trùng, vô mẫu, tạo mô sẹo hay phôi, tái sinh, nhân nhanh cụm chồi, ra rễ và huấn luyện cây con ngoài vườn ươm để hoàn thiện quy trình nhân giống đối với 4 loài cây dược liệu gồm đương quy, đảng sâm, hà thủ ô đỏ, giảo cổ lam 5 lá và giâm hom đối với cây ngũ gia bì gai. Đề tài cũng xây dựng quy trình trồng khảo nghiệm 10.000 cây dược liệu nuôi cấy mô cho các hộ nông dân (8 hộ) và 2 đơn vị trồng ngoài tự nhiên...

Theo PGS-TS. Bùi Văn Lệ, phương pháp nhân giống “in vitro” là phương pháp ưu việt, mở ra hướng đi mới trong việc tạo ra nguồn giống sạch bệnh, rút ngắn thời gian sản xuất, tạo lượng cây giống đồng nhất, sạch bệnh... Trong khi phương thức nhân giống truyền thống (giâm hom, chiết, trồng bằng hạt) gặp nhiều hạn chế như hệ số nhân giống thấp, thời gian kéo dài, tỷ lệ sâu bệnh hại cao thì kỹ thuật nhân giống “in vitro” hiệu quả hơn. “Có thể nói đây là cuộc cách mạng xanh trong trồng trọt, đem lại hiệu quả to lớn ở lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp, góp phần tạo ra nguồn vật liệu dùng để chuyển gen, nhân nuôi sinh khối tế bào, protein tái tổ hợp và ứng dụng vào nhiều mục đích khác” – PGS-TS. Bùi Văn Lệ nói.

Cần thận trọng

Dù tán đồng với giải pháp nhân giống vô tính cây dược liệu có giá trị để tạo nguồn giống với số lượng lớn, song nhiều nhà quản lý, nhà khoa học cho rằng, cần hết sức thận trọng và có đánh giá, khảo sát kỹ về chất lượng đối với cây dược liệu nuôi cấy mô trước khi đi vào sản xuất giống hàng loạt. Dược sĩ Nguyễn Như Chính - nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho rằng, không phải loài cây dược liệu nào cũng có thể nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô, ví dụ cây đẳng sâm ở Tây Giang vốn được nhân giống truyền thống rất hiệu quả. Mục tiêu của nuôi cấy mô là cung cấp đủ giống để sản xuất vùng dược liệu hàng hóa song cần quan tâm đến giá trị về mặt khoa học, giá trị dược liệu, giá trị kinh tế. “Các cây bản địa nuôi cấy mô dòng thuần chủng không nghi ngờ về chất lượng nữa, song với cây đương quy được di thực vào năm 1980, cần phải có đánh giá kỹ về mặt khoa học, chất lượng, nếu chưa có thì khuyến cáo không nên phát triển, nhân rộng” - dược sĩ Chính nói. Còn ông Võ Văn Nghi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho rằng, phương pháp nhân giống nuôi cấy mô đối với một số loài dược liệu trên là giải pháp nhân giống tiên tiến song hạn chế là chất lượng cây trồng ngoài thực địa vẫn chưa có đánh giá đầy đủ, chỉ mới dừng lại ở tỷ lệ cây sống, chứ chưa chú trọng đến vấn đề mức độ thích nghi ở môi trường tự nhiên, chất lượng, hàm lượng hoạt chất, các chỉ tiêu tăng trưởng, sinh trưởng… Cần có đánh giá, so sánh cây nuôi cấy mô với chất lượng cây trồng thực tế trước khi có khuyến cáo.

Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhận xét, nuôi cấy mô đã thể hiện ưu điểm về công nghệ, giải pháp kỹ thuật trong việc tạo giống, loại trừ được một số chủng loại virus, nhất là cây có múi, song hiệu quả còn tùy thuộc vào từng loại cây (ngoại trừ cây sâm Ngọc Linh). Cũng theo ông Lê Muộn, sở dĩ chưa thể ủng hộ ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tạo giống vì đến nay vẫn chưa có công bố, đánh giá thực tiễn về cây sâm mô sau khi ra thực địa có sống được không, hay liệu cây sâm mô có thay đổi hàm lượng hoạt chất quý hiếm so với cây bản địa hay không. Dù có thể chấp nhận kỹ thuật nhân giống “in vitro” với các cây dược liệu khác. Nhưng đòi hỏi phải tuyển chọn cây đầu dòng, nếu không có vùng giống gốc phải chọn những cây vật liệu di truyền giúp cho nguồn giống tốt. Với cây ba kích, Sở NN&PTNT đang tiếp tục theo dõi, ủng hộ giải pháp nuôi cấy mô bởi tỷ lệ nhân giống ở miền núi Quảng Nam hiện rất kém, trong khi ở các tỉnh miền Bắc, ba kích nuôi cấy mô chỉ năm thứ 2 trồng đã cho củ rất lớn. Riêng với cây đẳng sâm ở Tây Giang, việc nhân giống tương đối dễ, từ in vitro cho tới hạt, thân mầm nên không nhất thiết phải nuôi cấy mô.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cẩn trọng nhân giống cây dược liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO