Thời gian gần đây bệnh viêm não mô cầu xuất hiện khiến nhiều người rất lo lắng, đổ dồn đưa con đi tiêm vắc xin. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, phải cẩn trọng với loại bệnh này bởi nó để lại di chứng rất lớn, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Bệnh viêm não mô cầu được gây ra bởi vi khuẩn Neisseria meningitidis (còn gọi là khuẩn màng não cầu). Vi khuẩn này được chia thành 13 nhóm huyết thanh ký hiệu bằng các chữ trong bảng chữ cái như A, B… Một số người có vi khuẩn sống tự nhiên trong mũi và họng. Ở một số ít người, chủng vi khuẩn nguy hiểm này có thể thâm nhập qua lớp niêm mạc họng, gây ra bệnh não mô cầu xâm lấn, có thể dưới hình thức nhiễm trùng máu hoặc viêm màng não.
Bệnh viêm não do mô cầu có thể xảy ra quanh năm nhưng phổ biến hơn vào mùa đông và đầu mùa xuân. Mặc dù ít gặp, nhưng đây là một bệnh nặng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.
Tiêm vắc xin là cách tốt nhất phòng tránh bệnh viêm não mô cầu. Ảnh: N.D |
Bệnh viêm não mô cầu tiến triển rất nhanh, có triệu chứng giống với các bệnh viêm màng não do nhiễm siêu vi thông thường nên khó phát hiện trong giai đoạn đầu. Do đó, hệ quả của nó để lại có thể khiến người bệnh tàn tật suốt đời với di chứng nghiêm trọng như phải cắt bỏ các chi, tổn thương não hoặc tử vong trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Theo ông Trần Văn Hoàng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh (TTYTDP), thời gian qua, nhiều người đã đến trung tâm để tiêm phòng vắc xin bệnh viêm não mô cầu. Ông Hoàng cho biết, bệnh này có thể lây từ người sang người qua những hoạt động, sinh hoạt chung hàng ngày như dùng chung ly tách uống nước, sống chung khu tập thể, cắm trại, trong nhà trường, nhà trẻ, sinh hoạt cộng đồng… nên cần phải hết sức cẩn trọng để phòng tránh. Đối với trẻ dưới 1 tuổi và trẻ nhỏ khi mắc bệnh viêm màng não cầu thường có các triệu chứng: sốt, bỏ bú, quấy khóc, vật vã, mệt mỏi, tiêu chảy, co giật, phát ban thành những chấm đỏ, tím hoặc đám bầm tím lớn. “Ở khu vực nào phát hiện có người bị bệnh viêm não mô cầu, để tránh lây lan, bố mẹ cần cách ly trẻ khỏi vùng bệnh, tránh tiếp xúc với người đang bị mắc bệnh và chú ý tới sức khỏe của trẻ. Đặc biệt, khi trẻ có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, bỏ bú,… bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị” - ông Hoàng nói. Ông Hoàng cũng nhắc nhở, bố mẹ cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân cho mình và cho trẻ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng nước muối hoặc các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường; hạn chế đưa tay chạm vào mắt, mũi, miệng khi chưa được rửa sạch.
Chị Nguyễn Thanh Nhàn, trú tại xã Tam Đàn (Phú Ninh) cho biết, vừa qua có nghe nhiều thông tin về loại bệnh nguy hiểm này nên đã nhờ người tìm hiểu và đến TTYTDP tỉnh để tiêm phòng cho con gái vừa bước qua 1 tuổi. “Cứ tiêm phòng cho cháu mới yên tâm được, bởi bệnh này nguy hiểm quá” - chị Nhàn nói. Tương tự, chị Phạm Tuyết Mai, trú phường Hòa Hương (TP.Tam Kỳ) cũng đã gấp rút đưa con trai hơn 2 tuổi của mình đến tiêm phòng khi biết tại TTYTDP tỉnh đã có vắc xin phòng bệnh này.
Ông Trần Văn Hoàng cho biết, hiện nay trung tâm có sẵn loại vắc xin này với giá dịch vụ chưa đến 200 nghìn đồng/liều. “Viêm não mô cầu chưa từng lan ra thành dịch nên người dân cũng không nên quá lo lắng, nhưng cũng cần phải cẩn thận đối với loại bệnh này. Khi phát hiện bệnh, cần tổ chức cách ly và dự phòng tốt để khống chế các ca bệnh rải rác này không lây lan thành dịch. Bệnh nhân mắc bệnh nếu được phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị kịp thời thì khả năng hồi phục rất cao” - ông Hoàng cho hay.
NGUYỄN DƯƠNG