Y tế

Cẩn trọng với cúm mùa

LÊ QUÂN 08/12/2024 15:24

(QNO) - Nhiệt độ thay đổi, thời tiết đang giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, nhất là các bệnh cúm mùa.

Trẻ em dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi. Ảnh: L.Q
Trẻ em dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi. Ảnh: L.Q

Thông tin về 4 trường hợp tử vong liên quan đến chủng cúm A/H1pdm tại Bình Định tiếp tục là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ lây truyền của các bệnh truyền nhiễm cấp tính, đặc biệt là bệnh về hô hấp.

Gia tăng trẻ mắc bệnh về đường hô hấp

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc các bệnh liên quan đến hô hấp. Tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, chỉ trong đầu tuần tháng 10 đã có 150 ca bệnh nhi nhập viện. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, ho, khó thở. Trong đó, nhiều bé trước khi đến viện đều được gia đình tự điều trị tại nhà khiến tình trạng bệnh trở nặng hơn.

Nhiều ngày sốt liên tục với nhiệt độ 39-40 độ, bé T.M.K được gia đình đưa đến Bệnh viện Phụ sản Nhi Quảng Nam theo dõi. Sau khi xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bé bị sốt siêu vi kèm viêm tiểu phế quản, viêm mũi họng cấp. Đây cũng là hiện trạng bệnh ghi nhận ở nhiều trẻ em vào thời điểm mùa đông, khi thời tiết thay đổi với nhiệt độ thấp hơn về chiều và sáng sớm.

Ngoài các bệnh về đường hô hấp, các cơ sở y tế cũng ghi nhận số bệnh nhân nhập viện do cúm mùa, cúm A. Đây là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây nên, thường lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi.

img_3387.jpg
Trẻ khám bệnh tại Bệnh viện Phụ sản Nhi Quảng Nam. Ảnh: L.Q

Bác sĩ Nguyễn Đức Hùng Sơn - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Nhi Quảng Nam cho biết, đa số các trẻ nhập viện thời điểm này đều gặp tình trạng viêm phế quản co thắt, viêm tiểu phế quản, viêm phổi... với các triệu chứng điển hình như sốt cao, viêm long đường hô hấp trên, ho liên tục và kéo dài, thở khò khè, thở nhanh… Ban đầu trẻ thường ho khan, sau đó chuyển sang ho có đờm kèm theo sổ mũi nhiều, sốt, quấy khóc, chán ăn, tiêu chảy…

Những triệu chứng không điển hình này dễ khiến phụ huynh nhầm lẫn với cảm cúm thông thường nên tự ý điều trị cho con tại nhà. Nếu không xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh và điều trị đúng cách, hiệu quả, tình trạng bệnh của trẻ có thể trở nên nghiêm trọng dẫn tới suy hô hấp và tử vong.

Chủ động phòng bệnh

Trong khi đó, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, rải rác các địa phương trên toàn quốc ghi nhận nhiều ca nhiễm cúm A/H1pdm, trong đó có 4 ca tử vong tại Bình Định. Đẩy mạnh giám sát các trường hợp viêm phổi nặng và các chùm trường hợp bệnh cúm tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh được Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương.

Liên quan đến chủng cúm A/H1pdm, đại diện Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết đây là chủng cúm mùa thông thường. Vi rút cúm này được phát hiện đầu tiên trong đại dịch cúm năm 2009 nên có tên là pandemic (pdm).

Người dân mong chờ sẽ có nhiều cải thiện chất lượng khám chữa bệnh trong thời gian tới. Ảnh: X.H
Khi nghi ngờ mắc cúm mùa hoặc các bệnh truyền nhiễm, người dân nên tìm đến cơ sở y tế thực hiện các xét nghiệm cần thiết để biết tình trạng bệnh. Ảnh: L.Q

Đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật Quảng Nam cho biết, bệnh cúm mùa do chủng cúm A/H1N1 (còn gọi là chủng cúm lợn) là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan qua hắt hơi, ho khạc và tiếp xúc trực tiếp với các đồ vật bị nhiễm vir rút sau đó làm lây nhiễm qua đường mũi họng. Ngoài chủng vi rút cúm A/H1N1, các chủng vi rút cúm chủ yếu khác gây bệnh cúm mùa bao gồm A/H3N2, cúm B và cúm C.

Triệu chứng của bệnh cúm mùa thường diễn biến nhẹ, tự khỏi trong vòng chưa đến 2 tuần. Tuy nhiên, có những trường hợp biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ có thai; bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong…

Người dân có thể chủ động phòng chống cúm mùa, theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng bằng cách đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; tiêm vắc xin cúm mùa...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cẩn trọng với cúm mùa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO