Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, đơn vị này vừa có buổi làm việc với Facebook tại Việt Nam nhằm kiểm soát việc quảng cáo, kinh doanh các loại thực phẩm chăm sóc sức khỏe trên mạng xã hội...
Loạn các sản phẩm từ thực phẩm chức năng, mỹ phẩm được công khai rao bán trên các trang mạng xã hội khiến người tiêu dùng như rơi vào ma trận, rất dễ bị mắc bẫy bởi những quảng cáo đến từ người nổi tiếng, thậm chí là người quen biết với mác kinh doanh “hàng xách tay”.
Chuốc họa vì tin quảng cáo
Chị T.B (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) liên tục nhiều ngày phải ra vào Bệnh viện Da liễu Quảng Nam để điều trị dị ứng. Được biết, chị đã sử dụng sản phẩm kem chống nắng S.S.D được quảng bá xách tay từ Nhật Bản về trên một tài khoản cá nhân. Và đây cũng được xác định là nguyên nhân gây nên tình trạng dị ứng, thâm nám vùng mặt của chị T.B. Tương tự, đầu năm 2019, thị trường chăm sóc sắc đẹp cũng “dậy sóng” khi xuất hiện một loại thuốc có tên FOY (Fountain of Youth), được quảng cáo như “tiên dược” giúp trắng da và rao bán rầm rộ. Sản phẩm này được quảng cáo bởi một tài khoản được xác định là hoa hậu áo dài N.T.H.D. Tuy nhiên, theo kết quả xác minh của Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, từ năm 2014 đến nay, sản phẩm nêu trên chưa được cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm.
Giữa năm 2018, thị trường thực phẩm chức năng tiếp tục ghi nhận hàng loạt vụ cấm lưu hành các thuốc, trà giảm cân được quảng cáo bởi những người nổi tiếng. Tuy nhiên, lượng người tin tưởng vào các tài khoản cá nhân được cho là của các diễn viên, hoa hậu, người mẫu khá đông, và lượng sản phẩm họ dùng theo cũng khá nhiều. Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cho biết, tình trạng quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên facebook diễn ra rất tràn lan. “Chúng tôi ngày nào cũng phải vào kiểm tra, phát hiện rất nhiều quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng nhưng lại khẳng định “trị bệnh”, “dùng một liều là khỏi”, “Đông y trị nhức xương khớp”... Những quảng cáo này lừa dối người tiêu dùng. Đây là nỗi bức xúc không chỉ của cơ quan quản lý mà của rất nhiều người tiêu dùng. Chính người thân của tôi cũng từng bị những quảng cáo “nổ” công dụng thu hút, đã mua và sử dụng thay cho thuốc chữa bệnh” - ông Nguyễn Thanh Phong nói. Trong năm 2018, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt hơn 6 tỷ đồng về các hành vi vi phạm quảng cáo. Nhưng thực trạng vi phạm quảng cáo vẫn rất phức tạp, nhức nhối.
Khó kiểm soát
Tại Quảng Nam, việc quảng cáo các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ nước ngoài, hay mỹ phẩm xách tay được diễn ra khá công khai rầm rộ. Tuy nhiên, để quản lý hay kiểm soát được tình trạng này là điều bất khả kháng. Bà Bùi Thị Bích Thủy - Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Quảng Nam cho biết, hiện nay trung tâm mới chỉ thực hiện kiểm nghiệm được thuốc, còn mỹ phẩm và thực phẩm khá khó khăn vì cả trang thiết bị lẫn nguồn nhân lực đều chưa đủ. Ở góc độ chuyên môn, bà Thủy cho biết, bản thân cũng không dám sử dụng các sản phẩm được rao bán online. “Lực lượng quản lý trên địa bàn Quảng Nam còn quá mỏng nên không thể nào kiểm soát hết được nguồn gốc sản phẩm, các hộ kinh doanh online. Hiện tại những mặt hàng này được bán tràn lan trên thị trường nhưng chế tài xử phạt vẫn còn rất nhiều lỗ hổng” - bà Thủy nói. Dự kiến đến năm 2020, việc vận hành và phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn của Sở Y tế và Sở Công Thương, Sở TT-TT mới bắt đầu để siết chặt việc quản lý hình thức kinh doanh này.
Công dụng của sản phẩm chưa được kiểm chứng nhưng tác hại có thể thấy được. Nhiều bác sĩ chia sẻ, vì tin vào quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể chữa được bệnh nên nhiều người không đến bệnh viện, không chữa trị theo phác đồ mà bác sĩ đã hướng dẫn. Khi dùng thực phẩm chức năng không khỏi, khi quay lại bệnh viện thì đã quá muộn, bệnh đã ở giai đoạn muộn, can thiệp cũng không còn hiệu quả cao. Chính các sản phẩm được quảng cáo tràn lan và thổi phồng như thuốc chữa bệnh đã cướp mất cơ hội được chữa bệnh kịp thời của bệnh nhân. Trong khi đó, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Sở Y tế cho biết, hiện nay, các sản phẩm được rao bán theo kiểu “sản phẩm nhà làm” trên mạng xã hội cũng gây khó trong vấn đề kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ nguồn nguyên liệu đầu vào cho đến quy trình chế biến, sản xuất, thành phẩm đều không có ai kiểm soát.
Việc Cục An toàn Thực phẩm tổ chức các buổi làm việc với đại diện Facebook để có hướng kiểm soát kinh doanh các loại thực phẩm chăm sóc sức khỏe trên mạng là điều hợp lý để quản lý tình trạng loạn quảng cáo và kinh doanh trực tuyến như hiện nay. Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân với những thông tin quảng cáo trên mạng, bản thân người tiêu dùng rất cần thẩm định thật kỹ trước khi mua các loại thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Hiện tại, phía Facebook đã cam kết phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam để tháo gỡ và đóng các trang website, tài khoản vi phạm. Bộ Y tế cũng thiết lập đường dây nóng với cơ quan quản lý của Facebook tại Việt Nam để xử lý nhanh nhất những kiến nghị về vi phạm quảng cáo trên mạng xã hội.