Cẩn trọng với tai nạn lao động

DIỄM LỆ 21/11/2018 02:04

Thường ít ai quan tâm đến vấn đề an toàn khi làm việc, sản xuất, nên khi tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra thì cả chủ sử dụng và người LĐ đều gánh chịu hậu quả nặng nề. Cẩn trọng với các nguy cơ mất an toàn trong lao động là điều không bao giờ thừa.

Trang bị các phương tiện bảo hộ đảm bảo an toàn cho người lao động khi làm việc là hết sức cần thiết. Ảnh: D.L
Trang bị các phương tiện bảo hộ đảm bảo an toàn cho người lao động khi làm việc là hết sức cần thiết. Ảnh: D.L

Tai nạn khó lường

Vào ngày 29.6.2018, một vụ TNLĐ xảy ra tại Công ty TNHH MTV Cơ khí Chu Lai Trường Hải, khi người LĐ làm việc nhưng bất cẩn, không đảm bảo các biện pháp an toàn. Trong ca làm việc, ông Lại Tấn Triều là nhân viên bảo trì cùng với đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ đo đạc các thông số kỹ thuật của thiết bị nâng, hạ di chuyển tự động (hanger) số 2, do nhóm trưởng phân công. Công việc được tiến hành tại xưởng sơn, phục vụ chế tạo thêm hanger mới lắp đặt cho chuyền ED của xưởng sơn. Trước khi trèo lên trên thực hiện công việc đo đạc, ông Triều đã yêu cầu cho hanger số 2 ngừng hoạt động. Sau khi xong công việc, ông cùng đồng nghiệp rời khỏi hanger số 2. Thế nhưng sau khi xuống đất, ông Triều tự ý một mình leo lên cầu thang, đến sàn hanger số 1 đang hoạt động để thực hiện công việc nhưng lại không cho nó dừng hoạt động. Lúc ông Triều đang làm việc, do không chú ý đã để xảy ra TNLĐ, khiến nón bảo hộ LĐ ông đang đội trên đầu rơi xuống đất. Lúc này, một công nhân phát hiện mũ bảo hộ rơi xuống nhưng nhìn lên lại không thấy người, người này vội leo lên cầu thang để kiểm tra thì thấy ông nằm bất tỉnh tại sàn thao tác hanger số 1. Ông Triều được công ty đưa đi cấp cứu, nhưng ông không qua khỏi và chết do chấn thương đầu quá nặng. Các cơ quan chức năng của tỉnh khi nhận được tin báo từ công ty đã đến điều tra TNLĐ, kết luận nguyên nhân chính do người LĐ bất cẩn dẫn đến tai nạn chết người. Công ty đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với gia đình người bị nạn. Nhưng, chỉ vì một phút bất cẩn mà nỗi đau còn lại đối với cha mẹ già cùng vợ con ông Triều quá lớn khi mất đi trụ cột lao động chính của gia đình.

Điều 142 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về tai nạn lao động như sau:

1. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Quy định này được áp dụng đối với cả người học nghề, tập nghề và thử việc.

2. Người bị tai nạn lao động phải được cấp cứu kịp thời và điều trị chu đáo.

3. Tất cả các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các sự cố nghiêm trọng tại nơi làm việc đều phải được khai báo, điều tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo định kỳ theo quy định của Chính phủ.

Điều 39 Luật  Bảo hiểm xã hội năm 2006 quy định điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động  như sau:

Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện:

1. Bị tai nạn thuộc một trong trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động.  H.Q (tổng hợp)

Cảnh giác với nguy cơ mất an toàn không chỉ trong giờ làm việc, mà kể cả trên hành trình đi làm hoặc đi làm về cũng cần được người LĐ quan tâm (tai nạn giao thông trong hoàn cảnh này cũng được xem là TNLĐ). Như hai vụ tai nạn giao thông đối với người LĐ đang làm việc ở các công ty thuộc Khu phức hợp Chu Lai Trường Hải đều được đoàn điều tra kết luận là TNLĐ, trong đó một vụ tai nạn xảy ra khi người LĐ đang đi làm và một vụ đang đi về từ nơi làm việc. Hai vụ tai nạn giao thông đã khiến 2 người tử vong.

Còn nhiều tồn tại

TNLĐ xảy ra bất kể lúc nào khi người sử dụng LĐ và người LĐ còn chủ quan, xem thường các biện pháp đảm bảo an toàn khi làm việc. Trong 6 tháng đầu năm 2018, có 64 vụ TNLĐ xảy ra, làm 10 người bị thương nặng, 7 người chết. Qua điều tra của các đoàn điều tra TNLĐ cho thấy TNLĐ xảy ra nhiều nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, khai khoáng. Nguyên nhân đến từ chủ sử dụng LĐ, chủ yếu là do không có thiết bị đảm bảo an toàn, chưa huấn luyện an toàn vệ sinh LĐ cho người LĐ, không có quy trình làm việc an toàn, điều kiện làm việc không tốt. Lỗi đến từ người LĐ chủ yếu do vi phạm nội quy, quy trình, biện pháp làm việc, không sử dụng biện pháp bảo vệ dẫn đến mất an toàn khi làm việc.

Theo ông Lê Huy Tứ - Trưởng phòng Lao động, việc làm (Sở LĐ-TB&XH), hàng năm ngành LĐ-TB&XH luôn phối hợp với các ngành như công an, y tế... đến kiểm tra chuyên đề về an toàn vệ sinh LĐ tại doanh nghiệp, đặc biệt ở nhóm ngành nghề có nguy cơ mất an toàn, dễ xảy ra TNLĐ. Đồng thời với đó, các đợt tập huấn về an toàn vệ sinh LĐ, huấn luyện nghiệp vụ phòng chống cháy nổ cũng được tổ chức thường xuyên cho chủ sử dụng LĐ và người LĐ. Từ đó, ý thức phòng ngừa TNLĐ được cải thiện đáng kể. Khi có sự thanh tra kiểm tra, nhắc nhở thì doanh nghiệp phát hiện sai phạm, cải thiện điều kiện làm việc cho người LĐ.

Tồn tại phổ biến ở doanh nghiệp là vi phạm các quy định, tiêu chuẩn, quy phạm, biện pháp làm việc an toàn, vệ sinh LĐ; không huấn luyện các biện pháp làm việc an toàn, không trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân cho người LĐ. Nguy cơ có chiều hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh là TNLĐ xảy ra đối với người LĐ làm việc theo thời vụ, không có hợp đồng LĐ với chủ sử dụng LĐ. Chính điều này khiến cho người LĐ gặp bất lợi trong vấn đề được đền bù quyền lợi khi xảy ra TNLĐ.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cẩn trọng với tai nạn lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO