Cần ưu tiên quản lý tàu cá

NGUYỄN QUANG 09/11/2023 08:33

Thực hiện đăng ký, đăng kiểm và được cấp giấy phép khai thác hải sản là yêu cầu tối thiểu của nghề cá có trách nhiệm, tuy nhiên đây đang là hạn chế tại Quảng Nam. Bởi vậy quản lý chặt tàu cá khai thác hải sản cần được ngành chức năng ưu tiên thực hiện.

Các chủ tàu cá, phương tiện đánh bắt hải sản cần thực hiện các quy định về đăng ký, đăng kiểm và được cấp giấy phép khai thác hải sản. Ảnh: Q.VIỆT
Các chủ tàu cá, phương tiện đánh bắt hải sản cần thực hiện các quy định về đăng ký, đăng kiểm và được cấp giấy phép khai thác hải sản. Ảnh: Q.VIỆT

Vướng khó gỡ

Hiện nay, cả 1.375 tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên do Chi cục Thủy sản Quảng Nam quản lý đã được đăng ký. Tuy nhiên số lượng phương tiện có chiều dài từ 6m đến dưới 12m đã phân cấp về 6 huyện, thị xã, thành phố quản lý vẫn chưa được thống kê.

Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, trước đây nhóm phương tiện có chiều dài dưới 12m do chi cục quản lý và đã xác định 178 chiếc đã đăng ký tại chi cục.

Theo Quyết định 03/2023/QĐ-UBND ngày 15/3/2023 của UBND tỉnh, nhóm phương tiện đánh bắt hải sản có chiều dài dưới 12m được phân cấp về các địa phương quản lý.

Từ đó đến nay, số lượng phương tiện này thực tế là bao nhiêu, trong đó bao nhiêu chiếc đã đăng ký còn bỏ ngỏ. Có thể kể ra rất nhiều nguyên nhân cho hạn chế trên như số lượng cán bộ thủy sản ở địa phương không đủ, nhóm phương tiện dưới 12m đánh bắt hải sản ở đâu... không thể kiểm soát được.

Về cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định Luật Thủy sản năm 2017 tại Quảng Nam là 1.096 giấy phép; trong đó, vùng khơi 639/646 chiếc (tỷ lệ 98,92%), vùng lộng 365/729 chiếc (tỷ lệ 49,5%) còn vùng bờ chỉ 95 chiếc.

Ông Ngô Văn Định - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá & quản lý cảng cá Quảng Nam cho biết, do thiếu nhân lực nên chỉ có thể đăng kiểm cho phương tiện dưới 15m và số lượng đã thực hiện đăng kiểm không nhiều.

Nhóm tàu cá từ 15m trở lên chỉ có thể thực hiện đăng kiểm ở tỉnh bạn, nhóm tàu từ 24m trở lên chỉ có thể nhờ cán bộ của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) vào Quảng Nam đăng kiểm.

Ông Nguyễn Ngọc Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang (Núi Thành) cho rằng, những hạn chế về đăng kiểm tàu cá gây rất nhiều khó khăn cho ngư dân. “Nhiều chủ tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên hành nghề câu mực phải liên hệ ra TP.Hà Nội để mời cán bộ vào Quảng Nam thực hiện đăng kiểm. Việc này rất lúng túng, nhiều tàu vì đăng kiểm quá trễ đã chậm mất chuyến biển, lao động theo tàu cá khác kéo theo rất nhiều hệ lụy” - ông Vinh nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, quản lý các phương tiện khai thác hải sản của tỉnh còn nhiều khó khăn. Nhiều tàu cá hết hạn đăng kiểm trên hệ thống dữ liệu nghề cá Vnfishbase của Bộ NN&PTNT, nhiều tàu cá chưa gia hạn giấy phép khai thác do chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT).

Trong khi đó, do hiệu quả chuyến biển thấp, khó khăn về lao động nên nhiều tàu cá nằm bờ kéo theo việc ngưng kết nối thiết bị GSHT. Không chỉ vậy, nhiều tàu khai thác hải sản của tỉnh hoạt động ở ngoài tỉnh như tàu cá của ngư dân Thăng Bình hầu hết cập cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) bán rồi ra khơi, hầu như không về địa phương. Cũng cần nói thêm, các phương tiện có chiều dài dưới 15m không thuộc diện bắt buộc lắp đặt GSHT nên không biết vị trí.

Ngành chức năng vào cuộc

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đã ra thời hạn cho các huyện, thị xã, thành phố hoàn thành thống kê, cập nhật số lượng phương tiện đánh bắt hải sản có chiều dài dưới 12m vào tháng 9/2023 nhưng đến nay vẫn chưa xong.

Ông Lê Văn Hiệp - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, đơn vị đang phối hợp với UBND các xã ven biển trên địa bàn đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà để thống kê nhóm phương tiện khai thác hải sản có chiều dài dưới 12m, yêu cầu thực hiện đăng ký theo Luật Thủy sản 2017, báo cáo về Chi cục Thủy sản tỉnh để quản lý.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các lực lượng thủy sản, biên phòng tuyệt đối không cho các tàu cá chưa đăng kiểm vươn khơi, một mặt đảm bảo các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không đúng quy định, mặt khác bảo vệ ngư dân, tránh thiệt hại về người và phương tiện.

Ông Võ Văn Long cho biết, ngành thủy sản đang phối hợp với các địa phương có nghề cá tuyên truyền, vận động các chủ tàu cá, phương tiện đánh bắt hải sản phải thực hiện đăng ký, đăng kiểm và các thủ tục để được cấp giấy phép khai thác hải sản.

“Mùa biển động sóng to, gió lớn nguy hiểm rình rập. Ngư dân cần đăng kiểm cho tàu cá để đảm bảo thiết bị, máy móc, vỏ tàu đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, an toàn cho chuyến biển. Ngư dân cũng cần đăng ký và được cấp giấy phép khai thác hải sản để phát triển nghề cá có trách nhiệm” - ông Long nói.

Có thực tế là nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh đã mua lại tàu cá của ngư dân tỉnh, thành khác về sử dụng. Do không có đầy đủ giấy tờ, không đảm bảo tiêu chí chứng minh nguồn gốc nên không được ngành chức năng cấp giấy phép khai thác hải sản. Số tàu này vẫn lén lút ra khơi đánh bắt hải sản cần được các ngành kiểm ngư, thủy sản, biên phòng, cảnh sát biển tuần tra, kiểm soát xử lý theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần ưu tiên quản lý tàu cá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO