Nhiều địa phương miền núi đã thực hiện quản lý rừng cộng đồng nhưng hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ về cơ chế chính sách và chưa rõ ràng trong xác định địa vị pháp lý.
Tại huyện Phước Sơn, theo thống kê đến nay diện tích đất lâm nghiệp do cộng đồng dân cư quản lý trên địa bàn huyện là 2.655ha nhưng địa phương chưa thực hiện giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư. Hiện trạng đất hộ gia đình, cá nhân sử dụng canh tác trồng keo, lúa.
Giai đoạn 2004 - 2006, các huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước, Bắc Trà My và Nam Trà My đã triển khai giao đất giao rừng cho 249 cộng đồng dân cư thuộc 46 xã, với tổng diện tích 160.540ha. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí, giao đất giao rừng thời điểm đó chủ yếu bằng hình thức thủ công, không có mốc giới ngoài thực địa nên Nhà nước cũng không đảm bảo tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Một trong ít dự án cộng đồng bảo vệ rừng hiệu quả là dự án bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng (KFW 10) do Ngân hàng Tái thiết Đức tài trợ. Theo đó, đến nay từ dự án này Nhà nước đã cấp giấy quyền sử dụng đất và giao rừng tự nhiên sản xuất cho 9 cộng đồng dân cư thôn quản lý với diện tích gần 5.700ha. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, dự án này thực hiện rất bài bản, người dân rất phấn khởi vì hưởng lợi từ rừng.
Chính quyền tỉnh đang tích cực chỉ đạo triển khai hình thức giao khoán bảo vệ rừng, chuyển từ giao khoán rừng cho nhóm hộ, cộng động dân cư sang tổ bảo vệ rừng chuyên trách. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nơi hình thức quản lý rừng cộng đồng tồn tại và bảo vệ rất hiệu quả. Theo Hội chủ rừng Việt Nam, quản lý rừng cộng đồng đã được chứng minh là một trong những phương thức quản lý rừng hiệu quả, tôn trọng giá trị truyền thống của cộng đồng địa phương đi kèm với các lợi ích sinh thái, bảo tồn rừng. Phương thức này cũng gắn liền với quá trình chuyển dịch từ phương thức quản lý tập trung nhà nước sang quản trị với sự tham gia của nhiều bên liên quan. Tuy nhiên, vướng mắc chung là nhiều diện tích rừng giao cho cộng đồng là rừng nghèo kiệt, xa dân cư, địa vị pháp lý không rõ ràng, cơ chế hưởng lợi không hấp dẫn. Luật Lâm nghiệp 2017 đã có hiệu lực từ ngày 1.1.2019, trong đó, cộng đồng dân cư được công nhận là một trong 7 chủ rừng chính. Vì vậy, với những cộng đồng địa phương quản lý tốt, Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng và không cần thiết phải thay đổi mô hình giao khoán bảo vệ rừng.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước có 1.145.601ha rừng hiện do cộng đồng dân cư quản lý. Trong đó diện tích rừng được các cộng đồng quản lý, bảo vệ theo tín ngưỡng, tập tục truyền thống từ lâu đời khoảng 650.000ha và diện tích còn lại chủ yếu được giao cho cộng đồng thông qua các chương trình, dự án thí điểm tại các địa phương.