(QNO) - Ngày 10.11, Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XVI tiếp tục làm việc. Buổi sáng Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 với một số chỉ tiêu quan trọng: GDP tăng 6,5 - 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP; tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1 - 1,3%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ qua đào tạo đạt 58 - 60%, trong đó tỷ lệ qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ công nhận đạt 23 - 23,5%; số giường bệnh trên vạn dân đạt 26 giường; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm đạt 85,2%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường 88% và tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 41,6%.
Đại biểu Nguyễn Quang Dũng góp ý tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: VĂN PHƯỚC |
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Tham gia phát biểu, đại biểu Nguyễn Quang Dũng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam thống nhất với các ý kiến của đại biểu trong tổ về tổ chức đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo hướng “đặc biệt” nhưng cần phải xây dựng thành một luật khung cho tất cả các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại Việt Nam (chứ không phải riêng cho Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và trên cơ sở luật khung được ban hành Quốc hội sẽ ban hành các nghị quyết cho từng khu hành chính - kinh tế đặc biệt riêng); đồng thời, về tổ chức bộ máy phải có tính đột phá. Cũng theo đại biểu Nguyễn Quang Dũng, trong Hiến pháp năm 2013 đã có quy định độ “mở” cần thiết, tạo điều kiện và không gian để tổ chức những đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt riêng nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế…
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Quang Dũng cũng bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng về hiệu lực, hiệu quả, khả năng quản lý nhà nước đối với các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Đại biểu đề nghị phải quy định thật chặt chẽ các điều kiện đảm bảo sự quản lý của nhà nước về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Cần quy định cụ thể tỷ lệ dân số và cơ cấu lao động là người Việt Nam trong khu hành chính - kinh tế đặc biệt…, tránh một số nước lợi dụng đưa người nước họ ồ ạt vào sinh sống, với số lượng lớn, định cư lâu dài, dẫn đến nhà nước mất kiểm soát, không quản lý được. Về vấn đề giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài, làm thế nào khi áp dụng khung pháp lý chung của thế giới phải đảm bảo quyền lợi của nhà nước và công dân Việt Nam, đảm bảo sự công bằng trong tranh tụng. Về nguồn lực, đại biểu Nguyễn Quang Dũng đề nghị phải tính toán cân nhắc kỹ, trong dự án có quy định một phần đầu tư từ ngân sách nhà nước, nếu phát hành trái phiếu, vay để đầu tư thì sẽ dẫn đến áp lực nợ công tăng; còn nếu cân đối ngân sách sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch đầu tư trung, dài hạn mà Quốc hội đã thông qua.
Khác với các ý kiến của đại biểu trong tổ (không thành lập HĐND, UBND), đại biểu Lê Ngọc Hải - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng việc tổ chức chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là rất cần thiết, phù hợp với Luật Chính quyền địa phương (Điều 2, 4, 74, 75). Thể hiện tính nhất quán về tổ chức của hệ thống bộ máy chính quyền địa phương, bảo đảm nguyên tắc “Tập thể quản lý, cá nhân phụ trách”, đảm bảo tính đại diện và quyền giám sát của nhân dân. Tuy nhiên, đại biểu Lê Ngọc Hải đề nghị thiết kế lại về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
VĂN PHƯỚC