Thương hiệu được khẳng định sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp (DN) được người tiêu dùng đón nhận. Tuy nhiên, đây lại là “điểm nghẽn” ở Quảng Nam.
Bế tắc vì nhỏ lẻ
Còn nhiều loại hàng hóa của DN Quảng Nam bị tụt hậu ngay trên thị trường sân nhà. Đơn cử như bánh, kẹo của một số làng nghề, cơ sở sản xuất truyền thống. Nguyên nhân vì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ đến mức, các sản phẩm không ghi rõ địa chỉ của nhà sản xuất, bánh kẹo không ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, bao bì, mẫu mã rất sơ sài. Hệ quả là sản phẩm không được người dân đón nhận, ngành chức năng loại bỏ vì không đáp ứng được các yêu cầu an toàn thực phẩm.
Nguy hại hơn, nhiều loại trái cây, chả, hải sản... đã đầu độc người dùng vì tẩm hóa chất, sử dụng các chất bảo quản sản phẩm không được cơ quan chức năng cấp phép. Có thể các chất nguy hại không gây ra hậu quả tức thì nhưng về lâu dài, người tiêu dùng bị đầu độc từ từ, quá trình tích lũy những chất nguy hại sẽ kéo theo nhiều bệnh nan y, nguy hiểm mà hậu quả không thể lường trước được.
Theo ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương), dù đã được tạo điều kiện để xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu qua các hội chợ, các dịp giao thương với tỉnh bạn nhưng không ít DN Quảng Nam vẫn chưa ý thức rõ về khẳng định thương hiệu để hàng hóa xâm nhập sâu vào thị trường. Có DN dù được DN tỉnh bạn quan tâm, muốn phối hợp để liên kết sản xuất, cung ứng hàng hóa theo chuỗi vẫn lơ là. Chưa xây dựng được thương hiệu thì các sản phẩm của DN xứ Quảng sẽ còn tiếp tục thua trên sân nhà chứ chưa nói kỳ vọng sẽ có mặt ở các thị trường lớn của đất nước hay thế giới. Có những trường hợp khác cũng rất đáng tiếc là dù hàng hóa, sản phẩm có chất lượng nhưng DN còn yếu về hình ảnh bao bì, mẫu mã chưa bắt mắt, chưa có tem, nhãn truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Tựu trung, thương hiệu chưa đảm bảo nên hàng hóa, sản phẩm còn chưa đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính.
Cần sức sống mới
Có thực tế đáng buồn là không ít người dân thích mua hàng hóa giá rẻ nên hàng hóa trôi nổi có cơ hội xuất hiện trên thị trường. Khi chất lượng các loại hàng hóa đó không đảm bảo sẽ gây cạnh tranh không lành mạnh với hàng Việt có thương hiệu. Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền tốt và đưa hàng hóa đảm bảo chất lượng về các chợ truyền thống để đồng thời bảo vệ được người tiêu dùng, bảo vệ hàng Việt. Đặc biệt, DN cần quan tâm hơn nữa đến phân khúc hàng giá rẻ tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa.
Theo Sở Công Thương, rất đáng mừng là người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến hàng hóa, sản phẩm của các DN Quảng Nam. Đó là động lực lớn để thúc đẩy cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh. Điều này cũng tạo cú hích giúp các DN chú trọng về chất lượng hàng hóa, sản phẩm, quảng bá ở nhiều kênh, khẳng định vị thế, thương hiệu.
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, bối cảnh hội nhập sẽ mở ra triển vọng phát triển đồng thời gây áp lực, sức ép buộc DN phải vận động, thích ứng nhanh hơn. “DN cần tích cực đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, hàng hóa hấp dẫn người tiêu dùng ngay từ cái nhìn đầu tiên. DN cũng cần nâng cao trình độ quản trị, tổ chức để đưa hàng hóa vươn xa ra thị trường xuất khẩu” - ông Nguyễn Quang Thử nói.
Để tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt, ông Nguyễn Quang Thử cho biết, thời gian qua Sở Công Thương đã phối hợp với Bộ Công Thương, các ban, ngành, hiệp hội ngành hàng, ngành nghề giúp DN phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh kết nối cung cầu, quảng bá DN, quảng bá hàng hóa Quảng Nam. Nhờ đó, tỷ lệ hàng Việt nói chung, hàng “made in Quảng Nam” nói riêng có mặt tại các hệ thống siêu thị lên đến 90 - 95%. Tuy nhiên, các DN cần lưu ý là không có giải pháp nào có thể phù hợp cho tất cả DN. Với các loại hình sản xuất, kinh doanh riêng lẻ, DN cần thực hiện chiến lược của riêng mình, có kế hoạch cụ thể, lộ trình hay con đường đi riêng để đạt mục đích lớn, vươn tầm xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Để triển khai mạnh mẽ hơn nữa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Công Thương đã có nhiều chủ trương, chính sách, định hướng. Theo đó, kêu gọi và hỗ trợ DN thúc đẩy tăng trưởng thông qua sáng tạo; tăng năng suất, sản lượng hàng hóa, sản phẩm qua áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới; chiến lược mới trong phân phối, bán lẻ. Tuy vậy, theo Bộ Công Thương, điều quan trọng nhất là chính DN tìm hiểu kỹ càng về xu hướng vận động của thị trường, nhu cầu hàng hóa, sản phẩm để sẵn sàng đón nhận mọi “luồng gió mới” của thị trường, tạo bệ phóng cho hiện tại và tương lai.