Để cảng Chu Lai thành trung tâm dịch vụ logistics hàng đầu miền Trung, ngoài khai thác triệt để lợi thế của cảng biển kín gió, dịch vụ vận tải biển ở Quảng Nam phải mở rộng liên kết với các cảng biển nước sâu và trung chuyển quốc tế đa dạng hơn.
Thời điểm cuối năm, lượng hàng hóa qua cảng Chu Lai tăng cao.Ảnh: Hương Giang |
Xuyên lục địa
Những năm qua, Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) không ngừng đầu tư phát triển cảng Chu Lai. Từ năm 2016, cảng được mở rộng chiều dài cầu cảng lên 500m, có khả năng tiếp nhận cùng lúc 3 tàu tải trọng 2 vạn tấn. Không phải là cảng nước sâu tự nhiên, nhưng Chu Lai đã biến bất lợi thành lợi thế cạnh tranh bằng cách tích hợp thành chuỗi dịch vụ logistics trọn gói. Với các dịch vụ như dịch vụ cầu bến, xếp dỡ hàng hóa, kiểm đếm, đóng gói, lưu kho, lai dắt, cứu hộ, giao nhận vận tải và đại lý tàu biển... Chu Lai là đối tác tin cậy của các tập đoàn ô tô lớn như Kia Motors, Hyundai Motor (Hàn Quốc), Mazda Motors (Nhật Bản), PSA Peugeot (Pháp)...
Trong bối cảnh ngành vận tải biển trong nước chững lại thì cảng Chu Lai đạt được con số khá ấn tượng. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng 11 tháng đầu năm 2018 đạt 2,5 triệu tấn (tăng 66% so với năm 2017). “Mở hàng” cho tuyến vận tải quốc tế, Chu Lai Logistics hợp tác với hãng tàu SITC (Hàn Quốc) - một trong những hãng vận tải biển chính của khu vực châu Á, vận chuyển hàng hóa từ Hàn Quốc về cảng Chu Lai với tần suất 2 chuyến/tuần. Đây là lần đầu tiên khu vực biển Kỳ Hà đón tàu container quốc tế có trọng tải 2 vạn tấn từ cảng Incheon (Hàn Quốc) cập cảng mà không cần phải thông qua các cảng trung chuyển tại Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh. Tháng 3.2018, Chu Lai Logistics hợp tác với APL - một trong những hãng tàu container lớn nhất thế giới, khai trương tuyến hàng hải quốc tế Nhật Bản - Chu Lai với tần suất khai thác 1 chuyến/tuần. Sau đó một tháng, tuyến Qinzhou – Chu Lai do Chu Lai Logistics hợp tác với hãng tàu Cosco cũng khai trương, vận chuyển hàng hóa từ cảng Qinzhou (Trung Quốc) đến cảng Chu Lai và ngược lại. Theo lãnh đạo cảng Chu Lai, hàng ngoại nhập khẩu chiếm khoảng 40% tổng lượng hàng hóa qua lại cảng, chủ yếu là từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Đối với hàng nội địa, Chu Lai Logistics đang khai thác hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu công nghiệp Tam Thăng, Khu công nghiệp VSIP (Quảng Ngãi) và hàng nông sản từ khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Xây dựng cảng nước sâu
Bất lợi của cảng Chu Lai là luồng lạch còn nông, chỉ lưu thông tàu tải trọng tối đa 2 vạn tấn, khó cạnh tranh với các cảng nước sâu ở Dung Quất, cảng Đà Nẵng hay Quy Nhơn. Nhiều lượng hàng hóa nhập khẩu muốn về Quảng Nam phải qua các cảng trung chuyển lớn trong nước. Chu Lai phải lỡ hẹn nhiều hợp đồng, đơn hàng với các đối tác khi tàu trọng tải lớn hơn 2 vạn tấn chưa thể cập cảng.
Hiện tại, ngành dịch vụ vận tải biển ở Chu Lai cũng như trong nước đối mặt với cạnh tranh gay gắt, bởi chi phí sử dụng dịch vụ logistics trong nước cao gấp 3 lần Singapore, cao gần gấp đôi so với con số trung bình của nhóm các nước phát triển. PGS-TS.Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, thách thức lớn của phần lớn doanh nghiệp logistics là có quy mô vốn vừa và nhỏ, phân bố rời rạc. Khả năng liên kết của cảng Chu Lai với các cảng biển nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu công nghiệp trong khu vực còn hạn chế.
Theo Thaco, Khu kinh tế mở Chu Lai định hướng là trung tâm công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, hàng không; trung tâm khí - điện và sản phẩm hóa dầu; công nghiệp dệt may và phụ trợ ngành dệt may nên dịch vụ vận tải biển sẽ phát triển “ăn theo”. Cảng Chu Lai đang xúc tiến triển khai dự án xây dựng bến cảng nước sâu có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 5 vạn tấn tại cảng để nâng cao năng lực giao nhận vận chuyển, giảm chi phí logistics cho Thaco và các nhà đầu tư khác tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Hiện Chu Lai Logistics từng bước đầu tư hệ thống quản lý kho hàng theo mô hình quản lý thông minh để giúp khách hàng quản lý thuận tiện hàng hóa của mình.
Giấc mơ “vượt cạn” ra đại dương dần trở thành hiện thực ở Chu Lai.
HƯƠNG GIANG