Cảng Cửa Đại, mùa dịch

TRUNG VIỆT 14/03/2020 20:37

Tàu chạy. Ai cũng lạy trời cho mọi thứ bình an, từ bịnh tật đến con nước, tàu bè. Thằng bạn tôi đang trên tàu từ Cù Lao Chàm vào đất liền, ới qua điện thoại, là lâu rồi mới thấy đảo mùa du lịch mà bình yên. Cái cần là đây chứ đâu, bình yên mà không hoang vắng, đó là điểm đến vàng!

Lượng khách sụt giảm khiến tàu du lịch thất thu.Ảnh: T.V
Lượng khách sụt giảm khiến tàu du lịch thất thu.Ảnh: T.V

1. Hơn 8h sáng, tôi ghé bến tàu du lịch Cửa Đại. Anh giữ xe… thuyết minh ngay: “Ế nhễ! Hôm qua ra 1.000 người, nhưng chỉ có 70 vé bên bảo tồn bán được, còn lại dân địa phương”. “Ai mà rảnh đi chơi nhiều rứa?”. “Sinh viên, học sinh chứ ai”. “Khách không có hả?”. “Tàu, Hàn vắng… khói, còn Tây thôi, nhưng phơ phất lắm. Chỉ Tây tụ với Tây chứ dân mình cũng ngán”. “Tây nớ không phải từ nơi cấm nhập cảnh như Ý…” - một thanh niên xen vào. Cấm thì làm chi có cửa.

Trời xám ngắt. Gió hắt lạnh. Mấy chiếc ca nô nằm im như cá hết nước. Ghế nhà chờ vắng người như thể bị cấm không được ngồi. Một chị tên Phương bán hàng rong, năn nỉ: “Mua cái nón lác đội đi anh”. “Đi mô mà đội?”. “Thì ra đảo…”. “Dịch ni ra cho chết”. “Chết chi, mua đi. Cả tháng ni bán không được cái mô, sáng ôm đi tối cầm về”. Nhóm 5 bạn trẻ bước vào nhà chờ. Tôi hỏi thì được biết họ là người Hội An ra Cù Lao Chàm chơi. “Mùa ni tụi em đi sẽ khỏe…”. “Dạ, chừ đi thì đảo mới là đảo của mình”. Câu nói làm tôi bâng khuâng nhớ lại. Từ tháng này trở đi đến tháng 8, nếu không dịch, thì người đi du lịch kín chỗ ở Cù Lao Chàm. Đông nhất vẫn là khách Hàn và Trung Quốc. Nhưng cậu sinh viên lại dẫn tôi đến một chuyện khác cách đây hai năm, là lần đó ở Bãi Hương, khi nghe mấy người dân ở đó cãi lộn với khách Trung Quốc khi khách nói Cù Lao Chàm là của họ, thì tôi cũng điên lên và nhảy vào cãi.

Vắng và vắng. Bữa trước, một sĩ quan Đồn Biên phòng Cửa Đại nói tôi hay, con số khách ra vào Cù Lao Chàm chỉ bằng 1/10 trước đây. Tôi ngó 3 chiếc ca nô nằm im. Cách đó hai chục mét là tàu chở khách lặn biển. Một người tên Nhân từ tàu nhảy lên bờ rồi ngó tới ngó lui cổng kiểm soát, e hèm xuống dưới: “Chưa thấy… muỗi mô”. Tôi bắt chuyện: “Quá ít phải không anh?”. “Tệ lắm anh. Anh thấy đó, trung bình tầm ni thì mỗi ngày phải 1.500 khách, nhưng chừ giỏi lắm 150 người là hết sức. Tàu du lịch chết đứng rồi. Có đến 45 công ty làm ăn ở đây chứ ít đâu”. “Tàu lặn khá hơn không?”. “Khách lặn là Tây, nên vẫn có, nhưng giảm một nửa, mấy khi tàu em 80 - 100 người/chuyến, nay là 40 - 50 người. Rứa là may rồi anh, không thì đói móp trán”. “Tàu du lịch là khách Trung Quốc và Hàn Quốc?”. “Hầu hết là rứa, phụ thuộc vô họ về thị trường, nguồn khách lâu ni, nên chừ… bể luôn”.

Khách chủ yếu đi tàu lặn, khám phá biển.
Khách chủ yếu đi tàu lặn, khám phá biển.

2. Chờ một lát thì lác đác có mấy người xuống. Bên tàu du lịch thì tuyệt nhiên chưa thấy ai. Lát sau khi vô lại chỗ nhà chờ, thì thấy mấy chục khách Tây đang ngồi, tôi hỏi nhân viên bán vé thì họ nói, khách đi tàu du lịch đó, chuẩn bị ra bến. Tôi rà thông tin ngoài Cù Lao Chàm thì được biết, 90% là khách Tây, ra đó ở lại, mà khách thuộc loại chất lượng cao, các dịch vụ lưu trú trên đảo kín chỗ, chỉ có Nhà nước là thất thu bán vé. Thôi thì có khách ở là mừng rồi, vẫn là điểm đến chứ không có chuyện… ngủ dòm. Bỗng dưng lại ưng như bao người khi mùa dịch này, là lạy trời cho khách Tây áp đảo! Đi du lịch thì cần bình yên chứ không phải múa may quay cuồng la hét chửi bới ăn uống như cái chợ.

Vắng thiệt vắng. Mọi thứ như ườn ra, mệt mỏi, nặng nề. Cả thế giới chứ riêng chi mình, nhưng ở Hội An, đây là đòn sấp ngửa, và Việt Nam dịch nổ ra, mới thấy vô số điều mà bình luận, mổ xẻ chỉ thêm dài dòng tê tái. Tôi thích TS.Lê Đăng Doanh nói rằng, đây là cơ hội để điều chỉnh nền kinh tế trong mối quan hệ với bên ngoài… Một ông tên là Nguyễn Tân, chạy tàu ở đây nói: “Thuế, nhân công, dầu mỡ… mọi thứ lâu ni đều đều, chừ không chạy cũng… đều đều, rứa thì tính răng?”. Sẽ chẳng ai chết, nhưng tất cả sẽ tê liệt nếu không tính ngay từ bây giờ, khi dịch không biết bao giờ mới hết. Du lịch bùng nổ trở thành con bài của các nền kinh tế, kéo theo sự chuyển động của bao ngành nghề, tầng lớp.

Một con virus trời ơi đất hỡi kích thước xíu xiu, lại làm được một vụ nổ… Big Bang từ nhân mạng đến kinh tế, học hành, giao thương, quan hệ. Vì thế nên câu chuyện tính bài... thoát dịch trong làm ăn đang đặt ra, nhưng nói thẳng chúng ta đang bối rối. Hôm trước Chính phủ thông qua gói hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại do Covid-19 gây ra, trong đó có hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp, chính sách tài khóa... Khi về, tôi hỏi một chị quản lý khách sạn Phú Thịnh trên đường Cửa Đại: “Đầu năm 2018, Nhà nước cho ra đời Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, vậy đã nhúc nhích gì chưa?”. Chị nói: “Bây giờ là thời điểm hỗ trợ đây, thì Nhà nước đẩy nhanh hỗ trợ đi. Còn gói hỗ trợ chống dịch chưa biết bao giờ đến tay mình”.

Khách sạn này có 91 buồng phòng, nhưng nay chỉ hoạt động được 50% công suất, nhưng đó là ổn lắm rồi, bởi nguồn khách lâu nay tại khách sạn ở thị trường châu Âu và châu Mỹ. Chị cho biết, có đến 10 khách sạn 4 - 5 sao ở Hội An đóng cửa vì không có khách. “Tình hình là nghiêm trọng, đừng có kiểu lên đồng lên bóng nữa, bây giờ là tìm nguồn khách”. “Không đơn giản đâu anh, bài toán thị trường đâu phải nay làm mai có, mà tình hình thì đang rối beng. Rất nhiều khách sạn đóng cửa; quản lý mất việc; nhân viên nháo nhác hết. Ai làm du lịch thời điểm này mới thấy khổ”. Tôi nghĩ bụng, gói hỗ trợ trên tại Quảng Nam, cần được xử lý cho đúng chỗ, công bằng. Nói trước, chẳng sợ... xui, là đừng để tái diễn kiểu trời ơi như các gói khác từng diễn ra tại các địa phương, bởi hễ có tiền to là sinh tiêu cực.

Phòng chờ tàu vắng vẻ.
Phòng chờ tàu vắng vẻ.

3. Khách lục đục xuống tàu. Một bà đứng trên ca nô ới theo: “Rứa ít bữa có ra đám cưới không?”. “Mắc chi không, ngoài mình có dịch mô, để nói thêm mấy đứa về cho vui…”, câu trả lời kèm theo tiếng cười. Đừng chủ quan. Chẳng nơi đâu là điểm đến an toàn, chẳng ai là ngoại lệ hết, khi một nhận định mới đây tại Pháp là 50% mắc bệnh không có dấu hiệu sốt. Những khuyến cáo không bao giờ thừa, khi mọi thứ như người mù đi trong bóng tối, thì đừng có kiểu chống dịch như dạy hát opera. Nói chuyện đám cưới thì lại nhớ chuyện mới nghe ở Đà Nẵng: Mời 470 người, đi 70. Cô dâu chú rể xao xác heo may (tất nhiên khách không đi thì cũng gửi phong bì). Hèn chi mấy bận chạy qua dãy nhà hàng cưới ở đường 2.9, chẳng thấy chiều thứ Bảy kẹt xe nữa, hình như các cặp đôi mùa cưới đều tính… bài thuận lợi.

“Dịch mô mà mò ra tới ngoài biển…”, ai đó nói. Ông Tấn phang liền: “Hắn ở trong mình chứ mô, rúc xuống âm phủ hắn cũng theo, đừng bày đặt làm bác sĩ, chừ không có chứ khuya ni hắn mò mặt ra, ăn cho hết”. Tiếng cười rộ lên. Không hề là cú xả stress trong cơn ế ẩm, mà đó là tiếng cười chua chát, giấu dưới đó những cơn rùng mình vô hình. Hãy nói thẳng với nhau là sợ, sợ để phòng thủ, lo lắng, chuẩn bị mọi thứ để bằng mọi giá giữ được tính mạng chứ đừng nói như kiểu phong trào, ất ơ coi thường.

Tôi lên bờ. Hôm qua đã nghe tin, bắt đầu từ ngày 10.3, UBND xã Tân Hiệp thông báo tạm ngừng đón khách ra tham quan du lịch tại Cù Lao Chàm; đồng thời khuyến khích du khách đang ở đảo thì sớm trở về đất liền và khuyến cáo người dân nếu không có việc cần thiết thì hạn chế rời đảo.

Lại càng vắng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cảng Cửa Đại, mùa dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO