Căng thẳng khu vực và đàm phán hòa bình

NAM VIỆT 28/05/2014 10:29

Diễn biến căng thẳng trên vùng biển châu Á vẫn được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm, bày tỏ quan ngại đe dọa đến hòa bình và an ninh khu vực.

Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải dương-981 trái phép vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên biển Đông tiếp tục “gây bão” trong dư luận quốc tế và ngay tại chính Trung Quốc bởi hành động của Trung Quốc đi ngược lại luật pháp quốc tế. Dư luận quan tâm về các bằng chứng, ít nhất từ thế kỷ XVII cho đến hết thời kỳ thuộc địa, Việt Nam đã chiếm hữu, quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục, hòa bình và phù hợp với các quy định luật pháp quốc tế.

Căng thẳng Nhật - Trung tiếp diễn tại vùng biển tranh chấp Hoa Đông.
Căng thẳng Nhật - Trung tiếp diễn tại vùng biển tranh chấp Hoa Đông.

Rõ ràng, những bằng chứng lịch sử, sự đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam để bảo vệ chủ quyền vốn được luật pháp quốc tế công nhận được sự ủng hộ tích cực và sự đồng cảm rất lớn của đông đảo bạn bè quốc tế. Trong khi các chuyên gia, học giả, chính trị gia, dư luận quốc tế tiếp tục lên án và kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi chủ quyền biển đảo của Việt Nam, trong đó Mỹ ủng hộ Việt Nam một mặt tiếp tục dùng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế để đấu tranh với Trung Quốc, mặt khác Việt Nam cũng cần sẵn sàng khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc về Luật biển quốc tế hay Tòa án trọng tài quốc tế vào thời điểm thích hợp, bởi lập trường của Việt Nam nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận trong và ngoài nước. Thậm chí, trên trang chính thức của Nhà Trắng còn xuất hiện bản kiến nghị của một người Mỹ, tên viết tắt là T.D, kêu gọi tập hợp 100 nghìn chữ ký để yêu cầu chính quyền Obama phản hồi về việc trừng phạt Trung Quốc vì hành động ngang ngược tại biển Đông.

Vùng biển Hoa Đông lại tiếp tục “dậy sóng” khi Nhật Bản tố cáo Trung Quốc có những hành vi nguy hiểm trên không phận biển, gần khu vực chủ quyền tranh chấp đối với quần đảo Senkaku (cách gọi của Nhật Bản) và Điếu Ngư (cách gọi của Trung Quốc) khiến suýt xảy ra đụng độ. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật Bản lên án việc một chiếc tiêm kích SU-27 của Trung Quốc đã bay sát, chỉ cách máy bay tuần tra OP-3C của Nhật Bản khoảng 50m trong khi một chiếc tiêm kích khác của Trung Quốc bay sát gần, cách khoảng 30m máy bay YZ-11EB của Nhật Bản, cũng trong khu vực này. Hơn nữa, hai máy bay tiêm kích của Trung Quốc có trang bị tên lửa. Lập tức, chính quyền Tokyo gửi công hàm ngoại giao để phản đối các hành vi nói trên của không quân Trung Quốc.

một thỏa thuận quan trọng vừa được Indonesia và Philippines ký kết nhằm phân định biên giới biển tại khu vực đặc quyền kinh tế chồng lấn ở vùng biển Mindanao, biển Celebes và biển Philippines, sau 20 năm đàm phán mà theo nhận định của các nhà phân tích rằng để giải quyết một cách êm thắm trong hòa bình, rằng tranh chấp đang gia tăng tại khu vực biển Đông có thể được giải quyết mà không xảy ra bạo lực. Như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam luôn nhất quán sử dụng các biện pháp hòa bình và tận dụng mọi cơ hội, mọi kênh đối thoại để giải quyết tình hình hiện nay một cách hòa bình nhưng Việt Nam nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này (chủ quyền quốc gia) để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông và lệ thuộc.

NAM VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Căng thẳng khu vực và đàm phán hòa bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO