Tàu chở khách đang trên đường từ đảo Cù Lao Chàm vào đất liền thì bốc cháy dữ dội, rất may, toàn bộ hành khách và thuyền viên được ứng cứu kịp thời. Vụ tai nạn này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc đảm bảo an toàn trong hoạt động vận chuyển hành khách trên biển.
Lúc 13h ngày 22.11, tàu chở khách mang biển kiểm soát QNa-1248 của HTX Vận tải thủy bộ và du lịch Hội An do ông Ngô Công Trí làm thuyền trưởng đang trên đường vận chuyển khách từ đảo Cù Lao Chàm vào đất liền thì bốc cháy, trên tàu có 19 người, trong đó có 15 hành khách và 4 thuyền viên.
Sau khi nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Cửa Đại đã triển khai lực lượng gồm 20 cán bộ, chiến sĩ điều động 2 ca nô của đơn vị và 2 ca nô doanh nghiệp tiếp cận tàu cháy, kêu gọi các phương tiện đánh bắt hải sản gần đó nhanh chóng tiếp cận hỗ trợ cứu hộ. Ngay lúc đó, có tàu QNa-02103TS của ngư dân Trần Thanh Tân (trú xã Bình Hải, Thăng Bình) đang trên hành trình vào bờ. Đồn Biên phòng Cửa Đại đã hỗ trợ, hướng dẫn tàu QNa-02103 tiếp cận tàu cá đưa toàn bộ 19 người trên tàu bị nạn về Đồn Biên phòng Cửa Đại để chăm sóc y tế.
Thiếu tá Nguyễn Hoang - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Đại cho biết: “Khi nhận được tin báo, đồn đã điều tàu, ca nô ra tiếp cận tàu cháy, đồng thời huy động thêm các phương tiện tham gia cứu hộ. Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm, Hải đội 2 Biên phòng cũng đưa tàu ra tiếp ứng, các hành khách và thuyền viên tàu gặp nạn được đưa về bờ an toàn, không có ai bị thương”.
Thuyền trưởng Ngô Công Trí cho biết, tàu đò QNa-1248 có công suất 450CV, đóng mới năm 2018 với kinh phí 2,5 tỷ đồng. “Tàu xuất bến Cửa Đại lúc 7 giờ 30 phút sáng 22.11 đi Cù Lao Chàm, đến 11 giờ 30 phút cùng ngày thì chở 15 hành khách và hàng hóa từ Bãi Làng vào bến du lịch Hội An. Khi vào cách bờ khoảng hơn 1 hải lý thì lửa bốc lên từ khoang máy, thợ máy la lên “cháy rồi, cháy rồi”, lúc đó tôi ở trên boong, rồi nhanh chóng vào ca bin hạ ga, tắt máy. Liền sau đó cột lửa bốc cao rất nhanh, mọi người vội vàng mặc áo phao. Tôi liền nói anh em “mạng người là trên hết, lo cứu người, chứ cứu tàu không kịp đâu”. Mọi người chạy hết về phía mũi tàu. Ngay lúc đó, phía sau có 1 tàu đang chạy vào, tôi liền ra tín hiệu để nhờ ứng cứu. Khi tàu ứng cứu áp sát thì 15 hành khách lên tàu, tiếp đến là các thuyền viên và tôi là người cuối cùng rời tàu” - ông Trí nói.
Chưa hoàn hồn sau vụ hỏa hoạn, một hành khách chia sẻ, đám cháy được phát hiện từ khoang máy sau đó lan ra rất nhanh, rất may mọi người chạy thoát. Lửa cùng khói đen mù mịt bao trùm cả con tàu khiến mọi nỗ lực chữa cháy thô sơ không có kết quả. Lực lượng cứu hộ của Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với lực lượng chữa cháy của Công an tỉnh, dùng máy phun nước nhưng do tàu chở hàng khô dễ cháy kết hợp gió to nên vẫn không hiệu quả. Tàu và hàng hóa trên tàu bị cháy gần như hoàn toàn.
Đại tá Nguyễn Bá Thông - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, thời gian qua, tình hình cháy nổ các phương tiện tàu thuyền diễn ra rất phổ biến, phức tạp. Tại Quảng Nam, tuy các tàu thuyền đã được trang bị đầy đủ các thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC), nhưng thực tế nhiều chủ phương tiện tàu thuyền vẫn chưa nắm rõ quy trình xử lý khi có cháy nổ xảy ra. Bên cạnh đó các chủ tàu cũng còn chủ quan, kiến thức về PCCC còn nhiều hạn chế, nhiều người chưa được hướng dẫn, tập huấn nhiều về công tác PCCC nên việc chữa cháy vẫn còn nhiều khó khăn.
Trước tình trạng đó, các đồn biên phòng tuyến biển của tỉnh đã phối hợp với lực lượng chức năng triển khai nhiều biện pháp để chủ động PCCC và nâng cao ý thức cho bà con ngư dân. Đại tá Nguyễn Bá Thông cho biết: “Chúng tôi tập trung vào công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở bà con ngư dân cảnh giác với các nguy cơ dễ gây ra cháy nổ và các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn để bà con nắm được những kỹ năng cần thiết, có thể xử lý sự cố cháy, nổ”. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt và quyết định ở đây vẫn là ý thức cảnh giác và chủ động PCCC của bà con để hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy, nổ tàu thuyền.