Cảnh báo bệnh giao mùa ở trẻ em

LÊ QUÂN 03/11/2023 09:31

Vụ việc một trẻ em 4 tuổi tử vong với kết luận viêm cơ tim tối cấp gióng lên hồi chuông cảnh báo về các bệnh dễ mắc phải ở trẻ em khi thời tiết giao mùa, đặc biệt các bệnh do nhiễm siêu vi. Thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút phát triển mạnh và gây bệnh.

Trẻ em nhập viện tăng khi thời tiết giao mùa. Ảnh: L.Q
Trẻ em nhập viện tăng khi thời tiết giao mùa. Ảnh: L.Q

Nguy cơ viêm cơ tim

Mới đây, một bé trai 4 tuổi tại xã Tam Dân (Phú Ninh) tử vong với kết luận từ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam do mắc viêm cơ tim tối cấp. Theo người nhà bệnh nhân, trước thời điểm nhập viện, bé đã được điều trị tại nhà khoảng một tuần với các triệu chứng sốt, nôn ói. Và bé được đưa vào viện ngày 30/10, sau khi các triệu chứng này không có dấu hiệu thuyên giảm.

Bác sĩ Huỳnh Thị Thanh Thúy - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc (Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam) cho biết, viêm cơ tim thể tối cấp do siêu vi rút gây nên, và thường bệnh nhân có diễn tiến nguy kịch rất nhanh.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.Hồ Chí Minh cho biết, biểu hiện sốt của cảm cúm thường rất cao, còn sốt của viêm cơ tim thường nhẹ nhưng kèm theo mệt, tím tái, khó thở... Đây là điểm khác biệt giữa sốt cảm cúm và sốt của viêm cơ tim, là triệu chứng gợi ý cho các bác sĩ nghĩ đến bệnh viêm cơ tim. Nếu là viêm cơ tim, khi trẻ được nằm nghỉ thì vẫn mệt, dễ ói, tức ngực, khi gắng sức thì dễ ngất... Khi trẻ bị viêm cơ tim tối cấp nhưng không được điều trị kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao.

Được biết, viêm cơ tim tối cấp có tỷ lệ tử vong rất cao, nhưng triệu chứng khởi phát giống như sốt cảm cúm thông thường, khiến nhiều phụ huynh chủ quan, đưa trẻ nhập viện muộn. Tại TP.Hồ Chí Minh, ngay lúc thời tiết giao mùa, rất nhiều trẻ em nhập viện và ghi nhận nhiều trẻ bị viêm cơ tim nguy kịch.

Cụ thể, thời tiết giao mùa dễ làm bùng phát đợt nhiễm siêu vi, trong đó có siêu vi gây viêm cơ tim. Theo các chuyên gia y tế, bệnh viêm cơ tim thường do siêu vi gây ra (trong đó thường gặp do vi rút Coxsackie nhóm B) và xảy ra nhiều hơn khi thời tiết hơi lạnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường xảy ra ở trẻ em.

Khởi đầu bệnh nhân nhiễm siêu vi gây bệnh viêm cơ tim thường có các triệu chứng giống cảm cúm như sốt nhẹ, mệt mỏi, ho, sổ mũi hoặc có triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, nôn.

Do khởi đầu rất giống các triệu chứng bệnh thông thường nên rất khó phân biệt có phải nhiễm siêu vi thông thường hay không. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ có các dấu hiệu nặng như mệt, khó thở, môi tái, đau ngực, tim nhanh, rối loạn nhịp tim thì nhanh chóng đến ngay bệnh viện để được chẩn đoán và xử trí.

Tạo “hàng rào miễn dịch” cho trẻ

Cùng với bệnh lý viêm cơ tim xuất hiện ngày càng nhiều, những ngày gần đây, nhiều bệnh viện trong cả nước ghi nhận số ca mắc bệnh lý đường hô hấp, trong đó có cúm, tăng cao. Thời tiết lạnh và nhiệt độ ẩm thấp, mưa gió là điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm lây lan, trong đó trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng do mắc cúm nhất.

Ngành y tế ghi nhận trong đợt bùng phát dịch cúm năm ngoái, có nhiều bệnh nhi gặp biến chứng nặng do mắc cúm như viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim... Đây là hồi chuông cảnh báo khi nhiều người vẫn nghĩ cúm là bệnh thường gặp, chỉ vài ngày là khỏi nên xem nhẹ. Tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, số lượng bệnh nhi đến khám và điều trị từ cuối tháng 10 đến nay tăng khá cao.

 Cùng với đó, các loại vi rút gây bệnh tồn tại trong không khí khi xâm nhập cơ thể sẽ dễ dàng phá vỡ sức đề kháng của trẻ em và gây bệnh. Trong đó, thường gặp nhất vẫn là các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi nặng, viêm tiểu phế quản cấp. Đa số bệnh này lây truyền trực tiếp qua việc tiếp xúc hằng ngày, đồ ăn uống, tay chân, nước bọt, đồ chơi...

Bác sĩ Huỳnh Thị Thanh Thúy cho biết thêm, trẻ em dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh đến từ môi trường bên ngoài, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa. Khi mắc bệnh, trẻ dễ có diễn tiến nặng hơn người lớn. Do vậy, người dân không nên chủ quan với bất kỳ căn bệnh nào ở trẻ em.

“Chủ động giữ gìn sức khỏe cho trẻ, tiêm vắc xin đầy đủ và dinh dưỡng hợp lý nhằm nâng khả năng đề kháng là cách phòng tránh hiệu quả nhất các bệnh truyền nhiễm khi giao mùa” - bác sĩ Thanh Thúy nói.

Tạo hàng rào miễn dịch cho trẻ từ việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, uống đủ nước mỗi ngày; bổ sung đủ cho trẻ 4 nhóm thực phẩm: tinh bột, chất béo, chất đường, chất đạm;... là cách để tăng sức đề kháng cho trẻ em trước thời tiết bất lợi.

Ngoài ra, các chuyên gia y tế khuyến cáo phụ huynh nên bổ sung vitamin cho bé từ rau xanh hoặc trái cây, sữa. Ưu tiên các loại thực phẩm giúp tăng đề kháng, thực phẩm có bổ sung kẽm để giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh, kích thích trẻ ăn ngon miệng hơn, hấp thu dinh dưỡng tốt hơn...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cảnh báo bệnh giao mùa ở trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO