Tổ chức Liên hiệp quốc cảnh báo, nạn bạo hành ở trẻ em dưới nhiều hình thức khác nhau đang ở mức đáng báo động trên toàn cầu.
Những ngày qua, hẳn dư luận trong nước rất sốc và phẫn nộ trước vụ việc một bé gái 4 tuổi ở Bình Dương bị mẹ ruột và cha dượng đánh đập dã man, gây ra những vết thương khắp cơ thể, khuôn mặt bầm tím, đôi mắt sưng húp, đến xuất huyết não do chấn thương sọ não. Trên đây chỉ là một trong hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới là nạn nhân của các vụ bạo hành gia đình, bị xã hội lên án rất kịch liệt.
Bản phúc trình mới đây của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) dựa trên thống kê của 190 nước thành viên đã đưa ra một con số đau lòng, có khoảng 60% trẻ em thế giới (tức khoảng một tỷ trẻ em) đang phải chịu sự trừng phạt như là một hình thức kỷ luật của người chăm sóc như cha mẹ, người nuôi dưỡng, người thân, giáo viên..., trong đó 1/3 em đã từng bị đánh bằng các vật dụng khác nhau. Điều tra của UNICEF cho thấy những vụ bạo lực gia đình với trẻ em đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng và phổ biến, gây hậu quả xấu về tính mạng, sức khỏe, tinh thần và sự phát triển trí tuệ của trẻ, khiến toàn xã hội đặc biệt quan tâm và bức xúc.
Trẻ em có quyền được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh. (Ảnh: Churchinwales) |
“Ở tất cả quốc gia, trong mọi nền văn hóa, nạn bạo hành trẻ em cũng đều tồn tại”- Giám đốc điều hành UNICEF, ông Anthony Lake nói. Điều đáng nói là tình trạng bạo hành lại ít được điều tra và nhắc đến. Tại một số nước, bạo lực đối với trẻ em lại được thừa nhận hoặc tha thứ, và thông thường các nạn nhân quá sợ hãi không dám cho ai biết.
Hồi tháng 8.2014, một báo cáo khác của UNICEF gây chấn động dư luận toàn cầu khi cho thấy có tới 71% trẻ em Chile là nạn nhân của các vụ bạo lực gia đình. Trong đó, 51,5% em trong đợt khảo sát đã trải qua các vụ bạo hành về thể chất, khoảng 19,5% trẻ em khác cho biết là nạn nhân của bạo hành tâm lý. Thượng nghị sĩ Chile, ông Guido Girardi cảnh báo bạo lực gia đình là một vòng xoáy tội ác, khi thế hệ bị bạo hành sẽ tiếp tục những hành động bạo lực với thế hệ tiếp theo… Do vậy, để giải quyết vấn đề mà ông gọi là “ung nhọt” của thế giới phải bao gồm những chiến dịch và chính sách cộng đồng như giáo dục, nhận thức và sự can thiệp của xã hội.
Các chuyên gia UNICEF còn cho biết, sau khi phải trải qua những trận bạo hành khủng khiếp cả về thể xác lẫn tinh thần, để lại nhiều hệ lụy cho chính các em và cả xã hội, nhiều trẻ mắc phải chứng “Rối loạn và căng thẳng hậu chấn thương”. Ước tính ở một quốc gia phát triển như Mỹ, có tới 5% dân số mắc phải chứng này, trong đó một lượng không nhỏ là trẻ em.
NAM VIỆT