Một doanh nghiệp ở TP.Đà Nẵng khi mua nguyên liệu tôm thẻ chân trắng của một hộ tại Quảng Nam về chế biến xuất khẩu đã từng bị châu Âu trả, cảnh báo lô hàng xuất khẩu vi phạm dư lượng kháng sinh.
Không thể... không dùng!
Ông Huỳnh Văn Thảo (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa, Núi Thành) vừa thu hoạch sớm để bán tôm cho tư thương. Tôm thẻ chân trắng nuôi gần 3 tháng tuổi của ông Thảo không may bị bệnh. Ông Thảo đã dùng kháng sinh để chữa bệnh cho tôm nhưng thấy không khả thi nên thu hoạch bán sớm.
Ông Hoàng Văn Thành - hộ nuôi tôm thẻ chân trắng có thâm niên ở thôn Phước An (xã Bình Hải, Thăng Bình) cho biết, những năm qua, dịch bệnh đốm trắng, taura, đầu vàng, hoại tử gan tụy cấp… hoành hành nên người nuôi phải dùng kháng sinh để phòng bệnh cho tôm.
Kháng sinh có phổ kháng khuẩn rộng là Enrofloxacin được ông Thành trộn vào thức ăn cho tôm và hòa vào môi trường nước để phòng bệnh.
Khi được nhắc Enrofloxacin là loại kháng sinh cấm sử dụng do ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thì ông Thành phân bua hiện nay chưa có loại kháng sinh nào thay thế được Enrofloxacin nên phải dùng.
Hiện nay, có một số nhóm kháng sinh được phép sử dụng trong nuôi tôm như Tetracycline, Quinolones, Macrolides, Erythromycin, Tetracycline, Rifampicine, Sulphonamides…
Việc người nuôi tôm lạm dụng kháng sinh và dùng không đúng cách trong có thể dẫn đến nhiều tác hại như vi khuẩn kháng thuốc, phòng trị bệnh cho tôm không còn tác dụng; ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng sản phẩm tôm; thay đổi hệ vi sinh vật tự nhiên, gây mất cân bằng sinh thái hoặc gây hại cho các loài sinh vật tự nhiên. Đặc biệt, sản phẩm tôm nuôi khi có dư lượng kháng sinh không được phép sử dụng sẽ bị cấm tiêu thụ và xuất khẩu.
Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản khuyến cáo, người nuôi chỉ nên dùng kháng sinh khi không còn cách nào khác để chữa bệnh cho tôm và chỉ sử dụng khi bệnh do vi khuẩn gây ra.
Nông dân chỉ được dùng các loại kháng sinh nhà nước cấp phép, theo nguyên tắc đúng loại, đúng bệnh, đúng cách, đúng liều, đúng lúc và đủ thời gian theo chỉ dẫn.
Khi dùng kháng sinh nên kết hợp với bổ sung dinh dưỡng cho tôm và bảo vệ môi trường. “Người nuôi tôm cần phải dừng dùng kháng sinh 14 ngày trước khi thu hoạch tôm” - ông Long nói.
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong những năm gần đây, châu Âu (EU) trở thành thị trường xuất khẩu chính của con tôm Việt Nam với khoảng 20% tổng giá trị xuất khẩu hằng năm.
Tuy nhiên, các lô hàng tôm từ Việt Nam bị EU cảnh báo dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng đã tăng mạnh. Bởi vậy, EU sẽ tiến hành thanh tra thực địa nhằm đánh giá toàn diện chương trình kiểm soát dư lượng kháng sinh tại Việt Nam từ ngày 24/9 đến 17/10. Nếu kết quả thanh tra không khả quan, EU sẽ có quy định nghiêm ngặt hơn và hạn chế nhập khẩu các lô hàng tôm gây ảnh hưởng lớn đến vị thế ngành thủy sản nước ta.
Thay đổi thực trạng thế nào?
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - chuyên viên Phòng Nghiệp vụ thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho biết, đơn vị đang triển khai chương trình kiểm soát dư lượng kháng sinh nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.
Có vụ việc là năm 2023, doanh nghiệp chế biến thủy sản ở TP.Đà Nẵng đã mua tôm nguyên liệu của một hộ nuôi tôm ở xã Tam Hải (Núi Thành) về chế biến, xuất khẩu sang EU và bị trả lại do vi phạm dư lượng kháng sinh. Việc này ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu tôm.
Ngành thủy sản sau đó đã điều tra về quá trình sử dụng kháng sinh của nông hộ nuôi tôm trên và cảnh báo người nuôi tôm toàn tỉnh cảnh giác với dư lượng kháng sinh nuôi tôm.
“Hiện nay, chúng tôi tăng tần suất lấy mẫu tôm khi nông hộ thu hoạch để xét nghiệm kiểm tra dư lượng kháng sinh. Nếu vi phạm lần đầu sẽ nhắc nhở, đến lần thứ 2, ngành thủy sản sẽ liên hệ với địa phương để nghiêm cấm nuôi tôm của nông hộ đó” - bà Hiền nói.
Có thực tế là người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đến đại lý kinh doanh thuốc thú y mô tả về kháng sinh cần mua và được đại lý bán mà không biết kháng sinh đó được sử dụng hay cấm.
Cũng có trường hợp người nuôi tôm chủ đích mua kháng sinh cấm về sử dụng vì hiệu quả phòng bệnh và điều trị bệnh cao hơn thông thường.
Cũng có thực tế việc phát hiện sử dụng kháng sinh cấm chủ yếu thông qua chương trình kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong nuôi tôm và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Hoạt động kinh doanh kháng sinh cấm tại các đại lý kinh doanh thuốc thú y thủy sản hiện nay rất tinh vi bằng cách chứa hàng ở nơi khác chứ không để tại cửa hàng nhằm qua mắt kiểm tra của ngành chức năng.
Có bất cập hiện nay một số kháng sinh là chất cấm trong nuôi tôm nhưng lại được sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm dẫn đến khó khăn trong quản lý, kiểm soát. Cơ sở sản xuất, kinh doanh kháng sinh cấm lại không có địa chỉ rõ ràng cũng đã gây khó cho kiểm tra, giám sát.
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, để chấn chỉnh sử dụng kháng sinh cấm và lạm dụng kháng sinh khác trong nuôi tôm thì phải tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh kháng sinh trên địa bàn tỉnh.
Trước mỗi vụ nuôi tôm, ngành nông nghiệp đều có kế hoạch và tiến hành thanh tra, kiểm tra sản xuất, kinh doanh kháng sinh thường xuyên, liên tục trong năm.
Tập huấn phổ biến kiến thức về dư lượng kháng sinh trong nuôi tôm và tuyên truyền, nâng cao ý thức của người nuôi tôm về sử dụng kháng sinh để bảo vệ sản phẩm tôm nuôi, bảo vệ môi trường sinh thái sẽ được ngành chức năng triển khai tốt hơn trong thời gian đến. Quảng Nam luôn khuyến khích nuôi tôm sạch, nuôi tôm VietGAP, nuôi tôm an toàn sinh học để phát triển bền vững.