Thời tiết chuyển lạnh đột ngột cộng với các thay đổi về sinh hoạt trong dịp tết khiến các bệnh lý thường gặp gia tăng...
Tăng bệnh nhân đột quỵ
Ở các huyện miền núi, người già, người lớn tuổi liên tục nhập viện với các bệnh lý tim mạch, đột quỵ. Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực Quảng Nam (đóng tại thị xã Điện Bàn) cho biết, dịp Tết Nguyên Đán này, có 400 bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện.
“Cùng với đó, trong các ngày tết đến nay, trung bình mỗi ngày Khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận 50 bệnh nhân, chủ yếu là các tai nạn sinh hoạt hoặc bệnh lý tim mạch, đột quỵ. Trong đó, số bệnh nhân nhập viện và chuyển viện vì đột quỵ não khá nhiều” - ông Nguyễn Hữu Trung chia sẻ.
Các bệnh lý liên quan đến tim mạch cũng như bệnh đột quỵ thường gia tăng vào mùa lạnh và khi thời tiết thay đổi đột ngột. Trong khi đó, thời tiết tại Quảng Nam những ngày qua nhiệt độ giảm sâu, có khi xuống còn 17 độ ở các huyện miền núi dẫn đến số người nhập viện gia tăng.
Đặc biệt, thời tiết từ mùng 3 Tết đến nay tại Quảng Nam chuyển lạnh đột ngột chính là nguyên nhân dẫn đến số ca nhập viện do đột quỵ ở người lớn tuổi tăng mạnh. Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung cho biết, bệnh nhân đột quỵ có độ tuổi phân bố rộng, tuy nhiên, qua theo dõi tại bệnh viện, số bệnh nhân từ 50 tuổi trở lên vẫn phổ biến.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, bác sĩ Nguyễn Lương Quang - Trưởng khoa Nội tim mạch cho biết, số bệnh nhân lớn tuổi nhập viện vì các bệnh lý tăng huyết áp, đột quỵ tại đây tăng cao hơn so với thời điểm trước tết.
“So với thời điểm sau tết năm ngoái, số bệnh nhân nhập viện tại khoa năm nay cao hơn 15 - 20%. Tuy nhiên, các bệnh liên quan đến nhồi máu cơ tim thì ít hơn so với bệnh lý tăng huyết áp và đột quỵ” - bác sĩ Nguyễn Lương Quang nói.
Báo động bệnh lý hô hấp, tiêu hóa
Thời tiết thay đổi cũng là nguyên nhân cảnh báo các bệnh lý về hô hấp gia tăng, đặc biệt là trẻ em. Ông Nguyễn Đức Hùng Sơn - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam cho biết, tại bệnh viện hiện có 150 bệnh nhân điều trị nội trú.
Theo ông Sơn, so với thời điểm này vẫn chưa thấy số bênh nhân gia tăng. Tuy nhiên, với thời tiết thay đổi như vậy, khả năng trẻ mắc các bệnh lý về hô hấp sẽ tăng khi trẻ đi học trở lại. Trẻ bị bệnh nhẹ thường có các triệu chứng như sốt, ho, xổ mũi, nôn ói khi ăn, có thể kèm theo tiêu chảy. Trẻ mắc hô hấp nặng có thêm biểu hiện khó thở, tím tái.
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, người từng mắc COVID-19 thì hệ hô hấp sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt với trẻ em từng mắc COVID-19, có khả năng dễ mắc các bệnh về đường hô hấp hơn và tỷ lệ trở nặng cao hơn khi mắc bệnh này. Bệnh về đường hô hấp là bệnh lý phổ biến, khiến khoảng 1/3 số trẻ nhập viện trong những năm đầu đời.
Cũng theo WHO, hằng năm có khoảng 4 - 5 triệu trẻ em tử vong do bệnh về đường hô hấp, phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi. Bên cạnh những bệnh lý hô hấp kinh điển như hen phế quản, COPD, viêm phổi kẽ, hiện xuất hiện nhiều bệnh lý mới nổi chưa từng có trước đây như COVID-19 và các bệnh phổi liên quan...
Ngoài ra, thói quen tiêu thụ thực phẩm dự trữ dịp tết dẫn đến các bệnh lý về tiêu hóa cũng là nguyên nhân dẫn đến số người dân phải đi cấp cứu gia tăng.
Theo Bộ Y tế, từ ngày 20/1 đến 26/1, cả nước có 66 trường hợp mắc COVID-19 tại 20 tỉnh, thành phố. Bộ Y tế đánh giá các dịch bệnh đang được kiểm soát, không ghi nhận ổ dịch lớn trong cộng đồng, không ghi nhận trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Cụ thể, đối với bệnh đậu mùa khỉ, không ghi nhận trường hợp mắc. Đến nay cả nước có hai ca mắc bệnh này là các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, được quản lý kịp thời ngay khi về nước.
Sốt xuất huyết thêm 869 trường hợp mắc mới, không xuất hiện ổ dịch mới bùng phát tại cộng đồng. Tay chân miệng ghi nhận 85 trường hợp mắc mới. Bệnh sởi cũng thêm một trường hợp mắc mới, từ đầu năm 2023 đến nay có 5 trường hợp sốt phát ban nghi sởi; không ghi nhận trường hợp tử vong...