Triển khai thí điểm tại xã Trà Mai (Nam Trà My), dự án “Giám sát và cảnh báo lũ quét sử dụng công nghệ M2M và điện toán đám mây” nằm trong khuôn khổ hợp tác quốc tế giữa UBND tỉnh, Học viện Công nghệ bưu chính - viễn thông và Tập đoàn KDDI Nhật Bản được kỳ vọng là công cụ bảo vệ con người trước biến đổi khí hậu khôn lường.
Lũ lớn trên hệ thống sông suối Nam Trà My. Ảnh: H.Thọ |
Giai đoạn 2014-2015, trải qua nhiều đợt khảo sát, đánh giá tác động của lũ quét, tham vấn cộng đồng tại huyện Nam Trà My, đoàn chuyên gia Tập đoàn KDDI Nhật Bản đã quyết định chọn làng Tắc Râu (thôn 2, xã Trà Mai) để lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ sớm bằng công nghệ M2M (machine-to-machine) và điện toán đám mây. Đến thời điểm này, đoàn đã hoàn thành việc lắp đặt 3 cảm biến tốc độ lưu lượng nước đặt tại 3 vị trí khác nhau dưới lòng sông, một hệ thống serve chủ sử dụng điện năng lượng mặt trời để thu thập thông tin từ các cảm biến và tính toán, đưa ra cảnh báo đối với chính quyền và người dân thông qua các phương tiện thông tin truyền thông trên địa bàn. Hệ thống này còn được “hậu thuẫn” từ một trạm khí tượng thủy văn đặt tại khu vực đầu nguồn sông Nước Ui giúp nắm bắt tình hình thời tiết và truyền tín hiệu về máy chủ qua hệ thống không dây…
Theo TS. Đặng Hoài Bắc - Trưởng khoa Điện tử, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, công nghệ M2M rất hiện đại, sử dụng tối ưu các ưu điểm của điện tử, viễn thông để cảnh báo thiên tai, lũ lụt. Thời gian tiếp nhận, xử lý thông tin và đưa ra cảnh báo của hệ thống chỉ khoảng vài giây, chậm nhất là 1 phút. Nhờ sử dụng pin năng lượng mặt trời nên hệ thống này rất chủ động. Khi trên địa bàn có xảy ra mưa lớn, tốc độ dòng chảy tại các sông vượt và trên mức báo động, nguy cơ dễ xảy ra lũ quét thì trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin này sẽ truyền chỉ thị đến những bộ phận cảnh báo được gắn ở những điểm xung yếu để hệ thống phát âm thanh hoặc ánh sáng cảnh báo. Hệ thống cũng sẽ gửi SMS, email cảnh báo đến ngành chức năng, ban chỉ huy phòng chống lụt bão địa phương phục vụ thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống lụt bão, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Cùng với đó, Tắc Râu sẽ được lắp đặt thêm đèn báo hiệu nguy hiểm để người dân dễ nhận biết, ứng phó.
Giáo sư Yoshiyori Urano, cố vấn cao cấp Đại học Waseda cho hay, nhờ công nghệ M2M và điện toán đám mây mà nhiều năm qua, Nhật Bản đã có thể chủ động phòng tránh nhiều thảm họa từ thiên nhiên, hàng trăm người đã được cứu sống. “Công nghệ M2M và điện toán đám mây là giải pháp kỹ thuật phòng chống lũ quét hiệu quả. Chúng tôi chia sẻ giải pháp này đến Nam Trà My, một địa phương đối diện với nhiều thiên tai, rủi ro. Trước khi hỗ trợ, lắp đặt thiết bị, chúng tôi đã tiến hành khảo sát điều kiện thời tiết, độ dốc của sườn núi, mật độ phủ xanh của cây trồng vùng Nam Trà My; thống kê các trận lũ quét hằng năm, mức độ của nó và thấy rõ mối quan hệ giữa lượng mưa, tác hại của chặt phá rừng và nguy cơ lũ quét. Do vậy, ngoài việc hỗ trợ lắp đặt thiết bị, công nghệ, dự án giúp phân tích, dự báo, đưa ra các giải pháp hữu hiệu giúp chính quyền và nhân dân địa phương phòng tránh và giảm thiểu nguy cơ từ lũ quét gây ra”. Tuy nhiên, theo Giáo sư Yoshiyori Urano, chỉ với việc cảnh báo sớm thôi vẫn chưa đủ, huyện Nam Trà My và tỉnh Quảng Nam cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tăng cường khả năng ứng phó của người dân trong mọi tình huống khi có nguy cơ lũ quét xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại về tài sản và con người.
Được biết, Nam Trà My có hơn 10 điểm thuộc khu vực sông suối có nguy cơ xảy ra lũ quét thuộc địa bàn 6 xã: Trà Vân, Trà Vinh, Trà Tập, Trà Leng, Trà Nam và Trà Cang. Mỗi năm, sạt lở đất, lũ quét đã tàn phá làng mạc và cướp đi nhiều sinh mạng của người dân. Làng Tắc Râu thuộc vùng giáp ranh giữa sông Nước Ui và Nước Piêu, là vùng trọng điểm của lũ quét, sạt lở. Hơn nữa, do địa bàn cách trở nên thông tin cảnh báo lũ tới người dân còn hạn chế, toàn huyện chưa có bất kỳ một thiết bị cảnh báo lũ nào đến người dân. Chia sẻ về dự án này, ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: “Đây là dự án vô cùng thiết thực, mang tính nhân văn, chúng tôi kỳ vọng rất lớn ở dự án này trong việc giúp giảm thiểu, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại từ nạn lũ quét trên địa bàn”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hồng Quảng - Giám đốc Sở Thông tin - truyền thông: Tôi tin rằng, thành công của dự án không chỉ góp phần phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai tại địa phương mà sẽ trở thành một mô hình điểm, từ đó có thể nghiên cứu, nhân rộng ra phạm vi rộng hơn, tạo nên công cụ hữu hiệu góp phần bảo vệ con người trước tác động của thiên nhiên, biến đổi khí hậu.
HOÀNG LIÊN