Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh vừa tổ chức hội thảo khởi động dự án “Thiết lập và vận hành hệ thống cảnh báo sớm thiên tai cho cộng đồng” giúp người dân sống dọc sông Vu Gia – Thu Bồn có kiến thức, thông tin cần thiết để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu (BĐKH).
|
Công trình Trạm Y tế kết hợp nhà đa năng xã Bình Đào (Thăng Bình) phục vụ cộng đồng phòng chống thiên tai. |
Nhanh và cần thiết
Lâu nay, người dân chủ yếu đối phó với thiên tai bằng kiến thức dân gian bản địa. Trước mỗi cơn bão, nhiều người thường chằng dây lên mái nhà để khỏi bị tốc mái, đưa các phương tiện vào bến sông tránh bão an toàn, hạ hoặc rong nhánh những cây lớn có nguy cơ ngã đổ. Gần đây, ở nhiều xã ven biển còn đào hầm trú tránh bão. Cư dân sinh sống dọc theo lưu vực sông Thu Bồn, ở vùng trũng thấp thường xây nhà có gác thượng để lánh nạn tạm thời, hoặc làm nơi bảo quản, chứa vật dụng, lương thực thực phẩm tránh nước lũ cuốn trôi. Vài năm gần đây, các tổ chức của Nhật Bản còn tài trợ giúp nhiều trường học trên địa bàn tỉnh có kỹ năng tránh bão lũ an toàn, như dạy học sinh bơi lội, hỗ trợ cặp sách thiết kế với chức năng như phao cứu sinh cho học sinh đến trường… Và năm 2014 - 2015, dự án “Thiết lập và vận hành hệ thống cảnh báo sớm thiên tai cho cộng đồng” do tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế (SCI) tài trợ cho 6 huyện dọc sông Vu Gia - Thu Bồn gồm Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Nông Sơn, Quế Sơn và Hội An. Đối tượng hưởng lợi chính là trẻ em và gia đình sẽ nhận được thông tin cảnh báo sớm về thiên tai, đặc biệt là lũ lụt. Những thông tin cơ bản về thiên tai qua hệ thống tin nhắn SMS, bộ đàm, đài truyền thanh, kẻng, trống… sẽ truyền tải nhanh. Các dữ liệu như vị trí vết lũ, tọa độ vết lũ, độ sâu ngập, thời gian ngập sẽ được cảnh báo kịp thời. Tại các nhà dân được khảo sát, các tấm biển đánh dấu về vết lũ sẽ được gắn lên tường để các quan trắc viên cộng đồng dễ dàng so sánh và đối chiếu với mực nước lũ hiện tại khi cung cấp thông tin phản hồi về ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp.
Theo chính quyền các huyện Nông Sơn và Đại Lộc, việc cảnh báo sớm thiên tai về hình thức nhắn tin phản hồi qua điện thoại di động, loa truyền thanh, họp dân… vô cùng bổ ích, giúp cộng đồng chuẩn bị đề phòng và tránh rủi ro tai nạn. Bản đồ ngập lụt trong thời điểm thiên tai xác định rất nhanh, là cơ sở để địa phương đưa ra quyết định ứng phó. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho rằng, thiết lập và vận hành hệ thống cảnh báo sớm thiên tai là một dạng cập nhật dữ liệu thông minh, nhanh nhất giúp người dân ven sông hạn chế mức thấp nhất về thiệt hại người và tài sản. Trong gần 8 năm gần đây, tổ chức SCI đã nỗ lực cứu trợ khẩn cấp và giúp người dân miền Trung giảm nhẹ thiên tai. Như năm 2009, sau khi tổ chức cứu trợ cho đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả do bão Ketsana, SCI phát triển hệ thống truyền thông tin cảnh báo sớm bằng tin nhắn SMS thông qua điện thoại di động. Hiện nay, các trung tâm truyền tải thông tin hoạt động tốt tại TP.Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.
Đầu tư nguồn lực
Dự án “Thiết lập và vận hành hệ thống cảnh báo sớm thiên tai cho cộng đồng” triển khai từ tháng 12.2014 đến 5.2015 trên địa bàn 6 huyện gồm Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Nông Sơn, Quế Sơn và Hội An. Tổng vốn dự án hơn 723 triệu đồng. Trong đó, tổ chức SCI tài trợ hơn 536 triệu đồng, vốn đối ứng tỉnh 187 triệu đồng. |
Năm 2015, nhiều địa phương nằm trong vùng trực tiếp bị tổn thương bởi thiên tai được tiếp tục đầu tư các công trình hạ tầng, vành đai xanh ứng phó với BĐKH. Gần đây, tỉnh quyết định phân bổ 2,3 tỷ đồng cho TP.Hội An, Duy Xuyên triển khai trồng rừng ngập mặn ven biển; bố trí 8 tỷ đồng xây đê ngăn mặn và tiêu úng đầm Mông Lãnh, xã Quế Xuân 1 (Quế Sơn); đầu tư 12 tỷ đồng nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước). Ông Võ Như Toàn - Phó Chánh Văn phòng hợp phần thích ứng với BĐKH cho biết, ngoài đầu tư các công trình ứng phó BĐKH, các địa phương còn làm tốt công tác truyền thông, nâng cao nhận thức đối với cộng đồng trong phòng tránh thiên tai. Nhờ đó, thiệt hại về người và của những năm gần đây giảm rõ rệt. Do vậy, những công trình đang khảo sát đầu tư phải đem ra bàn bạc, có sự tham gia đóng góp của người dân sở tại, tuyệt đối tránh tình trạng công trình không phát huy công năng sử dụng… Trong mục tiêu ứng phó với BĐKH, chính quyền TP.Hội An đang cố gắng hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng đô thị, tăng cường chức năng phòng chống lũ, chống xói mòn, chống xâm nhập mặn nguồn nước. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 3.2015, hiện nay Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam (chủ đầu tư dự án phát triển môi trường, nâng cấp đô thị Hội An) đang hoàn tất các thủ tục hồ sơ pháp lý cần thiết và mời thầu thi công. Dự án sẽ thu hồi đất 645 hộ dân tại 4 phường và 1 xã thuộc địa bàn TP.Hội An, hơn 334 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng.
Đầu tháng 3 này, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ tài trợ hơn 292 nghìn USD đầu tư và đưa vào sử dụng công trình mở rộng Trung tâm Phòng chống thiên tai; hỗ trợ xây dựng một số phòng quản lý thông tin, phòng làm việc, nhà kho, hệ thống thu phát sóng, lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc, thiết bị cần thiết phục vụ công tác phòng chống thảm họa thiên tai. Ngoài ra, đơn vị này còn quyết định đầu tư xây dựng trường học tại thị trấn Phú Thịnh và Trạm Y tế xã Tam Phước thuộc huyện Phú Ninh.
TRẦN HỮU