Cảnh báo tai nạn đuối nước

PHƯƠNG GIANG 23/04/2014 10:22

Liên tục những vụ tai nạn thương tâm vừa xảy ra trong thời gian gần đây như lời cảnh báo về nạn đuối nước ở trẻ em, đặc biệt là trẻ em miền núi trong những ngày nắng nóng và dịp hè sắp tới.

Những tai nạn thương tâm

Hơn 2 tuần trôi qua, những người dân xã Trà Giang (Bắc Trà My) vẫn không khỏi tiếc thương trước sự việc 3 học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ bị chết đuối. Một mất mát không thể bù đắp cho gia đình các em, sự việc trên tiếp tục là lời cảnh báo về hiểm họa đuối nước đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em các huyện miền núi. Nỗi đau ở Bắc Trà My chưa nguôi thì vừa qua lại tiếp tục có 2 trẻ em độ tuổi tiểu học ở thôn Bh’lố 1 (xã A Vương) là cháu Arất Pháo (học lớp 2) và Alăng Thị Lực (học lớp 3) bị dòng nước cuốn trôi khi đang tắm sông dưới chân cầu A Vương. Ông Bhling Hà - Chủ tịch UBND xã A Vương, cho biết: “Dù nhà trường, chính quyền đã nhiều lần nhắc nhở các em không nên tắm sông, suối để phòng tránh những tai nạn thương tâm, nhưng do các em còn quá nhỏ, chưa đủ nhận thức, lại thiếu sự chăm sóc, quản lý của người lớn nên xảy ra sự việc đáng tiếc trên”.

Thiếu sự chăm sóc, trẻ em vùng cao đứng trước nguy cơ tai nạn đuối nước rất cao. Ảnh: P.G
Thiếu sự chăm sóc, trẻ em vùng cao đứng trước nguy cơ tai nạn đuối nước rất cao. Ảnh: P.G

Tại các địa bàn miền núi, nông thôn, miền biển, trẻ em bị tai nạn đuối nước xảy ra ngày một nhiều hơn trong những năm gần đây. Đặc biệt, thời điểm nắng nóng đầu hè là khoảng thời gian thường xuyên xảy ra các tai nạn về đuối nước khi học sinh thường rủ nhau tắm sông, suối. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) giai đoạn 2005 - 2012, trung bình mỗi năm có khoảng 7.253 trẻ em, trẻ vị thành niên tử vong do tai nạn thương tích, mà phần lớn nguyên nhân là do đuối nước, tai nạn giao thông và ngộ độc. Trên địa bàn Quảng Nam, năm 2013 có 283 trường hợp tai nạn thương tích ở trẻ em, trong đó có địa phương có đến hơn 80 trường hợp. Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hồng - Trưởng phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH), chưa có con số thống kê chính thức số trẻ bị tai nạn đuối nước trong năm 2013, nhưng theo ghi nhận tại các địa phương, đuối nước là nguyên nhân phổ biến nhất. “Tai nạn đuối nước được ghi nhận trên địa bàn tỉnh thường tập trung vào mùa mưa lũ và mùa hè. Thời gian gần đây, liên tục các vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại địa bàn các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Tây Giang mà nguyên nhân là các em tắm sông, suối trong khi không có sự quản lý của người lớn, dẫn đến những cái chết đau lòng” - bà Hồng cho biết thêm.

Tăng cường tuyên truyền, bảo vệ

Thực trạng gia tăng tai nạn thương tích ở trẻ em, trong đó phổ biến là tai nạn đuối nước đặt ra hàng loạt yêu cầu về tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai các biện pháp bảo vệ trẻ. Mới đây nhất, chương trình phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2013 - 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu từng bước hạn chế tình trạng trẻ em bị mắc và tử vong do tai nạn, thương tích, đặc biệt là tình trạng trẻ em bị đuối nước đã được triển khai trên toàn quốc. Theo đó, mục tiêu cụ thể là giảm 15% số trẻ em bị tử vong do đuối nước so với năm 2010, đào tạo ít nhất 50% số trẻ em lứa tuổi tiểu học và 70% số trẻ em lứa tuổi THCS biết bơi và có kỹ năng tự cứu đuối; ít nhất 70% số trẻ em sử dụng áo phao hoặc cặp phao khi tham gia giao thông đường thủy. Theo Phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH), song song với việc thực hiện các nội dung chương trình, nhiều địa phương đã xây dựng hồ bơi, mở các lớp dạy kỹ năng bơi an toàn và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em. Bên cạnh các mô hình ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, Phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH) cũng đang tham mưu UBND tỉnh triển khai mô hình xã, phường an toàn phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, dự kiến triển khai trong thời gian sắp đến.

Song song với việc thực hiện các nội dung trong chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, công tác tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh tại các trường học, xã, phường, thị trấn… trên địa bàn tỉnh thông qua các buổi tuyên truyền tập trung, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng… “Với mong muốn các cấp, các ngành và gia đình chung tay trong công tác phòng ngừa tai nạn thương tích ở trẻ em, chúng tôi đã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, phát tờ rơi, đẩy mạnh tuyên truyền đến cơ sở. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức bồi dưỡng về công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em cho đối tượng là cán bộ chuyên trách, giáo viên phụ trách lớp hoặc phụ huynh các em” - bà Nguyễn Thị Diệu Hồng nói thêm.

PHƯƠNG GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cảnh báo tai nạn đuối nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO