Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ tai nạn về điện làm chết người. Nguyên nhân chủ yếu do người dân chủ quan, bất cẩn trong quá trình sử dụng điện sinh hoạt và phục vụ lao động sản xuất...
Sử dụng điện không an toàn
Theo thống kê của Sở Công Thương, từ 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra gần 20 vụ tai nạn do điện giật gây ra làm thiệt hại về người và tài sản. Phần lớn các tai nạn xảy ra do coi thường các khuyến cáo của ngành chức năng, sử dụng đường dây, thiết bị điện không an toàn, bất cẩn trong sử dụng điện...
Điển hình, trưa 7.6 vừa qua, ông Nguyễn Văn C. (xã Duy Hòa, Duy Xuyên) cùng con trai là Nguyễn Văn M. kéo dây điện từ nhà ra ao của gia đình để kích điện bắt cá. Đến trưa cùng ngày, người thân trong gia đình không thấy hai người vào nhà, ra ao thì phát hiện cả hai cha con ông C. đã tử vong do bị điện giật.
Trước đó, chiều 13.2, anh Nguyễn Duy T. (38 tuổi, xã Tam Dân, Phú Ninh) đi câu cá ở khu vực kênh chính Phú Ninh (Tam Thái). Trong quá trình câu cá, không may cần câu của anh T. vướng vào đường dây điện cao thế, dẫn đến anh T. bị điện giật tử vong...
Gần đây, nhiều vụ tai nạn điện liên tiếp xảy ra gây chết người hoặc thương tật, nguyên nhân chủ yếu là chính sự bất cẩn, chủ quan trong việc sử dụng điện.
Ông Trần Văn Anh - Trưởng phòng An toàn (Công ty Điện lực Quảng Nam) cho biết, một số hành vi chủ yếu dẫn đến tai nạn điện thường xảy ra như: trẻ em thả diều vướng vào đường dây cao áp dẫn đến phóng điện gây tai nạn; vi phạm khoảng cách an toàn đối với lưới điện trung áp, cao áp; nhiều trường hợp người dân sử dụng các loại vật tư, thiết bị kém chất lượng làm đường dẫn điện, dây điện còn treo lòng thòng dễ va quẹt vào người… Nguy hiểm hơn, vẫn còn nhiều người sử dụng dụng cụ kích điện để đánh bắt thủy sản, bẫy chuột trên ruộng... dẫn đến nguy cơ cao gây tai nạn về điện làm chết người.
Chủ động phòng ngừa
Thời gian gần đây, Công ty Điện lực Quảng Nam chú trọng công tác truyền thông, phát tờ rơi tuyên truyền đến từng hộ gia đình về quy định an toàn hành lang lưới điện. Đặc biệt, trong mùa mưa bão, nguy cơ xảy ra tai nạn điện là rất cao. Người dân hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách tuân thủ các quy định, hướng dẫn về sử dụng điện; chủ động kiểm tra tổng thể hệ thống điện trong gia đình, trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh... “Mỗi người dân hãy là những tuyên truyền viên tích cực trong việc nâng cao ý thức phòng ngừa cháy, nổ; sử dụng đúng hoặc hạn chế các loại thiết bị tiêu thụ điện để vừa tiết kiệm điện, vừa đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho gia đình và cộng đồng” - ông Trần Văn Anh cho biết.
Luật Điện lực năm 2004 đã quy định, hệ thống dây dẫn phía sau công tơ về phụ tải sử dụng điện là tài sản của khách hàng và thuộc trách nhiệm đầu tư, quản lý của khách hàng sử dụng điện. Song, những lỗi mắc phải của người dân sử dụng điện phục vụ sản xuất nông nghiệp khu vực nông thôn là thường lắp đặt một lần và sử dụng trong thời gian dài không được quan tâm sửa chữa nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, tai nạn điện. Chính vì vậy, việc hộ dân sử dụng điện bị sự cố mà lỗi do bất cẩn từ đường dây dẫn sau điện kế, ngành điện lực không chịu trách nhiệm. Vì theo Luật Điện lực, ngành điện chỉ chịu trách nhiệm về sự an toàn lưới điện đến điện kế, còn việc sử dụng, duy tu, bảo dưỡng đường dây sau điện kế là của người sử dụng điện.
Ông Nguyễn Đình Viễn - Trưởng phòng Quản lý Năng lượng (Sở Công Thương) cho rằng, để phòng tránh các tai nạn do điện gây ra, bảo đảm an toàn điện, mọi người dân phải luôn có ý thức, cẩn trọng trong quá trình sử dụng điện, thiết bị điện hàng ngày, hàng giờ. Mọi người cần quan tâm đến việc lắp đặt các thiết bị điện đúng quy tắc an toàn như: sử dụng các ổ cắm điện có nắp đậy, có rơ le tự ngắt khi xảy ra sự cố chập điện, để ổ điện ngoài tầm tay của trẻ em; không vi phạm hành lang an toàn lưới điện... Đồng thời, việc lắp đặt thiết bị bên ngoài để phục vụ sinh hoạt hàng ngày, như phục vụ cho bơm, tưới tiêu phải bảo vệ chắc chắn. Khi thấy xảy ra điện giật hay các sự cố về điện, trước tiên phải cắt ngay nguồn điện, cách ly người bị điện giật ra khỏi nguồn điện và báo ngay cho lực lượng chức năng.