Cảnh báo "thẻ đỏ" của Ủy ban châu Âu đối với xuất khẩu thủy sản

MINH QUÂN 27/04/2018 14:37

(QNO) - Chiều 26.4, tại TP.Hội An, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) tổ chức hội thảo chuyên đề “Bảo tồn biển gắn với chống khai thác thủy sản bất hợp pháp”. Dự hội thảo có ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, đại diện lãnh đạo tỉnh, chuyên gia Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, nhà nghiên cứu, ngư dân Cù Lao Chàm...

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: MINH HẢI
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: MINH HẢI

Tại hội thảo, PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi (Đại học Quốc gia Hà Nội) cảnh báo: Hiện nay, tình trạng đánh bắt thủy sản bất hợp pháp diễn ra ở hầu hết các vùng biển và đại dương trên thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề nghiệp, thu nhập của chính ngư dân và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Nhiều phương thức khai thác theo kiểu tận diệt như: giã cào, dùng thuốc nổ, kích điện đánh bắt ngay trong mùa sinh sản... ở vùng gần bờ, vùng khơi. Do lợi nhuận cao, nên tình trạng đánh bắt thủy sản bất hợp pháp đang phát triển nhanh chóng, đặc biệt là ở khu vực biển Đông Nam Á, Biển Đông và vùng biển khác của Việt Nam.

Ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Liên minh châu Âu (EU) hiện nay có quy định chống IUU (các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý - PV) tích cực nhất trong các khu vực nhập khẩu chính. Năm 2010, quy định của EU yêu cầu tất cả các sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào EU phải có chứng nhận khai thác, có thông tin về các loài, vị trí khai thác, tàu cá, ngày khai thác và bất kỳ hoạt động trung chuyển. Trường hợp sản phẩm bị nghi ngờ là IUU, các quốc gia thành viên EU có thể từ chối nhập khẩu, sẽ gây thiệt hại nặng nề đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam”.

gư trường và nghề khai thác đang đặc ra nhiều thách thức trong việc xuất khẩu thủy sán sang các thị trường. Ảnh: MINH HẢI
Ngành khai thác thủy sản Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức trong việc xuất khẩu. Ảnh: MINH HẢI

Trước đó, từ 15 đến 19.5.2017, đoàn công tác của Tổng vụ Các vấn đề biển và thủy sản (DG-MARE) thuộc Ủy ban châu Âu (EC) đã đến Việt Nam để đánh giá tình hình đáp ứng các quy định của EU về IUU. Kết thúc đợt đánh giá, đoàn công tác DG-MARE đã đưa ra 5 khuyến nghị để Việt Nam giải quyết. Nếu không giải quyết được, Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ bị nhận “thẻ vàng”, thậm chí cả “thẻ đỏ” của EU. Bởi thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu chưa đáp ứng đủ các yêu cầu. Đây là một thách thức lớn đối với ngành thủy sản của Việt Nam, khi mà thị trường EU chiếm 16-17% tổng giá trị xuất khẩu.

Quảng Nam là một trong những địa phương phát triển mạnh về nghề biển. Địa phương có hơn 1.600 phương tiện đánh bắt xa bờ, thu khoảng 800 nghìn tấn hải sản/năm; đánh bắt gần bờ đạt 700 nghìn tấn hải sản/năm. Tuy nhiên, điều lo lắng hiện nay là cả nghề đánh bắt xa bờ và gần bờ chưa thật sự đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, có những nghề đánh bắt gần bờ đang đe dọa cạn kiệt và hủy diệt nguồn lợi thủy sản như giã cào, xung điện, lưới quét…, thậm chí vào những vùng bảo tồn để khai thác. 

Tuy cá hố đang đáp ứng đủ các tiêu chí xuất khẩu, nhưng thiếu nguồn cung cho thị trường. Ảnh: MINH HẢI
Tại Quảng Nam, tuy cá hố đáp ứng đủ các tiêu chí xuất khẩu nhưng thiếu nguồn cung cho thị trường. Ảnh: MINH HẢI

Trong công tác bảo tồn biển, nhiều ý kiến của chuyên gia tại hội thảo cho rằng, trong những năm qua, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã được bảo tồn tốt hơn các khu bảo tồn biển khác của Việt Nam. Đó là do công tác quản lý hiệu quả, nhận thức của người dân cũng đã được nâng lên rõ nét. Tuy nhiên cần phải tăng cường công tác quản lý chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt là phát huy được vai trò của cộng đồng mà chủ thể chính là ngư dân.

Đến nay Quảng Nam chỉ duy nhất nghề câu cá hố là đáp ứng đủ các tiêu chí, nhưng sản lượng thấp, không đủ nguồn cung xuất khẩu do nghề này còn ít tàu tham gia. Để giữ nguồn lợi thủy sản cho cả khu vực, tại hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước xác định Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm chính là nơi để phát triển nguồn lợi bền vững. Đồng thời đề nghị mở rộng vùng lõi bảo tồn xa hơn để bảo vệ các rạn san hô, làm nơi trú ẩn cho cá sinh sản; cấm khai thác chung quanh vùng biển Cù Lao Chàm. 

Theo ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, trước những thách thức trên, Bộ NN&PTNT đã và đang tập trung triển khai quyết liệt 3 nhóm giải pháp để thực hiện các khuyến nghị của EC về khai thác IUU để sớm thoát khỏi “thẻ vàng”, tránh nguy cơ ngành thủy sản Việt Nam phải nhận “thẻ đỏ”. Bên cạnh đó sớm hoàn thiện thể chế để phù hợp với quy định của quốc tế, trong đó có EU; rà soát các quy phạm pháp luật, tăng cường chế tài trong Luật Thủy sản sửa đổi 2017, các kế hoạch hành động của Chính phủ; nâng cao năng lực thực thi của hệ thống quản lý nhà nước và ngư dân, chấm dứt tình trạng tàu cá ngư dân khai thác bất hợp pháp trên vùng biển các nước khác...

Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm là một trong nơi trú ngụ và sinh sản tủy sản cho cả khu vực. Ảnh: MINH HẢI
Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm - nơi trú ngụ và sinh sản của nhiều loại thủy sản. Ảnh: MINH HẢI

Đại diện Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế - bà Bùi Thị Thu Hiền đề nghị: Việt Nam cần phải mở rộng phạm vi cấm đánh bắt hải sản xung quanh khu vực bảo tồn biển, xác định phạm vi vùng quản lý nghiêm ngặt. Mở rộng phạm vi vùng cấm sẽ giúp hỗ trợ việc thực thi và tuân thủ quy định về khai thác đánh bắt thủy sản, được ngăn chặn từ xa. Bà Hiền cho rằng, Việt Nam cũng cần thêm thời gian để thực hiện hiệu quả những quy định pháp luật mới và phải đưa ra những cam kết cụ thể đối với từng chủ tàu, ngư dân. Ngoài ra, tăng cường năng lực chuyên môn cho các nhà quản lý các khu bảo tồn là vấn đề bức thiết đặt ra hiện nay đối với Việt Nam.

MINH QUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cảnh báo "thẻ đỏ" của Ủy ban châu Âu đối với xuất khẩu thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO