Thực phẩm chức năng đang được nhiều người lựa chọn với niềm tin sẽ tăng cường sức đề kháng và bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ dịch bệnh; thế nhưng nếu không tỉnh táo, người dân dễ mua phải sản phẩm giả mạo.
Hồi tháng 7 năm nay, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) có thông báo khẩn cảnh báo về 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả mạo với chức năng hỗ trợ điều trị Covid-19 có tên Xuyên tâm liên.
Đây là các sản phẩm chưa được công bố và đăng ký với cơ quan chức năng. Thông tin từ Cục ATTP cho rằng, trên thị trường đang xuất hiện 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên uống Xuyên tâm liên CV19 có logo Toàn Lộc (vỏ hộp màu đỏ) và sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên uống Xuyên tâm liên CV19 có logo Nhất Lộc (vỏ hộp màu xanh) đều ghi có công dụng: kháng vi rút, kháng Covid-19, kháng viêm, điều trị đau họng cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp, phòng chống Covid-19…
Cục ATTP khẳng định 2 loại sản phẩm có đặc điểm và công dụng nêu trên chưa đăng ký bản công bố tại cục. Vì vậy, 2 sản phẩm như trên là giả mạo. Cục ATTP cũng đưa ra các cảnh báo đến với người tiêu dùng: Không có bất kỳ loại thực phẩm chức năng hoặc thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào chữa được Covid-19 hay kháng Covid-19; không có bất kỳ thực phẩm chức năng nào được phép ghi công dụng “điều trị bệnh”.
Người tiêu dùng phát hiện sản phẩm ghi các công dụng và đặc điểm trên thì không mua, không sử dụng và báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất. Đồng thời khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở cần liên hệ ngay với cơ quan y tế để được hướng dẫn khám, điều trị kịp thời.
Trước đó, Bộ Y tế đã chính thức cho phép sử dụng vị thuốc quen thuộc trong y học cổ truyền để hỗ trợ điều trị Covid-19, trong đó có thuốc Xuyên tâm liên. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Xuyên tâm liên không phải là “thần dược” để điều trị Covid-19.
Trong các bài thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 do Bộ Y tế đưa ra còn rất nhiều dược liệu khác sẵn có ở Việt Nam như thanh cao hoa vàng, diếp cá, vàng đắng, núc nác, nghệ, gừng... cũng như các vị thuốc khác, các bài thuốc khác.
Hiện nay trên thị trường hiện có rất nhiều thực phẩm chức năng được quảng cáo với nhiều công dụng khác nhau. Các loại sản phẩm này thường được rao là “hàng xách tay” với đầy đủ hóa đơn, chứng từ. Trong khi đó, “hàng xách tay” theo quy định chỉ được dùng cá nhân, không được bán. Tuy nhiên, các tài khoản trên mạng xã hội rao bán thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe “xách tay” từ nước ngoài khá phổ biến...
Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, các ngành chức năng đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra để phát hiện và thu hồi những sản phẩm nhập khẩu không rõ nguồn gốc hoặc không có nhãn phụ.
Đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Cục ATTP đã phát hiện một số sản phẩm đang quảng cáo không đúng bản chất sản phẩm, quảng cáo như thuốc chữa bệnh, quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm mạo danh của cơ quan y tế, quảng cáo các sản phẩm dinh dưỡng có thể chữa tiểu đường, huyết áp, xương khớp…
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh khuyến cáo người tiêu dùng không mua và sử dụng các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe bán trôi nổi. Khi mua các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, trong đó có thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế phải yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn bán hàng để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hóa giữa hai bên.
Khi phát hiện dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho cơ quan chức năng địa phương để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm. Trước sự phát triển mạnh mẽ của thông tin, mạng xã hội cùng sự nở rộ của các loại thực phẩm chức năng, người tiêu dùng cần có kiến thức, trách nhiệm với việc tiêu dùng thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho rằng, khi chọn mua hàng online, đặc biệt là những sản phẩm liên quan đến sức khỏe cần lựa chọn kỹ, nên xem xét rõ mặt hàng trước khi mua, tìm hiểu thông tin về công dụng sản phẩm, về doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, địa chỉ mua bán và cần xem các giấy tờ liên quan đến hàng hóa chứ không nên chỉ nghe qua lời giới thiệu của người bán.