Nhiều học sinh huyện miền núi Phước Sơn bỏ học, tảo hôn trong thời gian qua làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân...
Báo động
Xã Phước Mỹ vài năm trở lại đây trở thành “điểm nóng” về nạn tảo hôn của huyện Phước Sơn. Địa phương chỉ cách trung tâm huyện chưa đầy 10km, lại nằm trên trục chính đường Hồ Chí Minh nhưng trình độ dân trí nơi đây vẫn còn thấp, tình trạng trẻ em bỏ học giữa chừng diễn ra khá phổ biến. Trung bình mỗi năm xã có khoảng 8 - 10 cặp tảo hôn và từ đầu năm đến nay, chỉ riêng thôn 1 đã có tới 11 trường hợp. Hình ảnh những cô dâu chú rể mới 15, 16 tuổi không còn lạ đối với người dân. Có thể thấy, hiện tượng tảo hôn do phong tục đã ăn sâu và nếp nghĩ của đồng bào thiểu số vùng cao. Nhiều em còn nhỏ chưa hiểu về tình yêu, giới tính nhưng các em đến với nhau tự nguyện. Như trường hợp của em Hồ Thị H. (17 tuổi) và Hồ Văn V. (16 tuổi) ở thôn 1, xã Phước Mỹ. Hồ Văn V. cho biết: “Đi chơi quen thân nhau rồi lấy nhau như những bạn bè khác, tụi mình thấy thích thì lấy nhau, cha mẹ cũng không ngăn cản gì. Cuộc sống tuy khó khăn, vất vả nhưng tụi em không hối hận. Đã yêu nhau thì về sống chung không cần tổ chức đám cưới cũng được”. Có trường hợp cưới xong vẫn đi học lại quen tiếp bạn mới, như trường hợp của Hồ Văn B. (ở thị trấn Khâm Đức) đã có vợ nhưng vẫn lấy Trần Thị Tr. (học lớp 10, thôn 1, Phước Mỹ). Tr. nói: “Em đang đi học thì gặp và yêu B., giờ em phải nghỉ học ở nhà làm rẫy và ở cùng với vợ lớn của chồng. Em rất thích đi học, nhưng chồng và vợ lớn bắt ở nhà làm rẫy, chỉ cần ngồi đọc quyển sách cũng bị đánh đập”.
Thôn 1, xã Phước Mỹ trở thành “điểm nóng” về nạn tảo hôn. Ảnh: H.YÊN |
Xã Phước Thành, Phước Chánh là hai địa phương có số trường hợp tảo hôn tăng cao theo từng năm. Theo thống kê, có khoảng 57 trường hợp thanh thiếu niên đang trong độ tuổi đến trường cưới vợ, lấy chồng sớm. Chứng kiến cảnh em Hồ Thị T. (16 tuổi, thôn 3, Phước Thành) lụi cụi vác bao sắn từ trên rẫy về mà thấy thương cảm. Em tâm sự: “Khi đang học lớp 8 em được bạn cho số điện thoại làm quen với bạn trai. Hai em nhắn tin qua lại được khoảng 2 tháng thì yêu nhau, từ đó em về nhà bạn trai ở luôn tới giờ. Hằng ngày, ngoài đi rẫy làm việc em còn phải chăm lo cơm nước cho cả gia đình chồng. Ở nhà ba mẹ sướng hơn ở đây, nhưng lấy chồng rồi nên phải chịu, em nhớ trường lớp lắm”. Hay trường hợp em Hồ Thị H. (học lớp 11, ở thôn 2, xã Phước Chánh) cưới chồng là Hồ Văn Th. (học sinh lớp 10, ở thôn 1, xã Phước Mỹ). Sau đám cưới, hai em tiếp tục đi học được vài tuần thì H. có thai nên phải nghỉ học.
Theo bác sĩ Đinh Thúy Mai - Giám đốc Trung tâm Dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS&KHHGĐ) huyện Phước Sơn, nguyên nhân dẫn đến tảo hôn tại các địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa phần nhiều là vì phong tục tập quán của đồng bào; tâm lý muốn có con đàn cháu đống vẫn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều bậc làm cha làm mẹ, cùng với sự kém hiểu biết về pháp luật. Với độ tuổi quá nhỏ để có thể kết hôn, các em rơi vào tình trạng thiếu cân bằng cả về thể chất lẫn kinh tế để hoàn thiện gia đình. Hầu như ở làng đồng bào dân tộc thiểu số nào trên địa bàn huyện Phước Sơn cũng có tình trạng kết hôn trước tuổi. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các trường hợp kết hôn tuổi vị thành niên đều tổ chức lén lút không thông qua chính quyền cơ sở.
Tiếp tục tuyên truyền
Những năm qua, huyện Phước Sơn đã có nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, như thành lập và duy trì hoạt động của các mô hình “Xóa tập tục tảo hôn” ở các xã, trường phổ thông dân tộc nội trú, THPT huyện. Địa phương còn thường xuyên duy trì sinh hoạt, tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các mô hình theo từng tháng, quý. Tuy nhiên, những hoạt động này không đạt hiệu quả như mong muốn, nguyên nhân chủ yếu là hiệu quả của công tác tuyên truyền trong trường học, gia đình các học sinh, các em trong độ tuổi học THCS, THPT còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, theo điều tra, hiện nay tình trạng cha mẹ bắt con cái bỏ học lấy vợ, lấy chồng không còn nhiều mà chủ yếu do các thanh thiếu niên tự nguyện tìm hiểu, yêu và lấy nhau. Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác như điều kiện kinh tế khó khăn làm một số gia đình không quan tâm tới đời sống, sinh hoạt của các em, không đủ sức chi phí cho con cái học hành và chưa có chế tài thích hợp để ngăn chặn tình trạng tảo hôn...
Bác sĩ Đinh Thúy Mai cho biết, xóa tập tục tảo hôn không thể một sớm một chiều mà công tác này cần thời gian và sự vào cuộc của các cấp chính quyền. Trung tâm DS&KHHGĐ huyện phối hợp với hội phụ nữ, các già làng, trưởng thôn tổ chức các hình thức vui chơi, sinh hoạt văn hóa lành mạnh để thu hút các bạn trẻ cùng tham gia, phát động phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa tại mỗi xã, thôn... Ngoài ra, địa phương cần xây dựng và triển khai mô hình “Tư vấn viên tại chỗ”, hằng tháng tổ chức các chương trình tư vấn về sức khỏe sinh sản, cấp phát thuốc tránh thai, bao cao su miễn phí để từng bước nâng cao dân trí, dần loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực của các tập tục lạc hậu. Thường xuyên quan tâm, phối hợp với chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là các già làng uy tín khi trong xã, thôn, bản mình có trường hợp tảo hôn, phải vận động kịp thời, hoặc phải xử lý hành chính theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, huyện còn tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác DS&KHHGĐ cấp xã, cộng tác viên, phát huy vai trò của nhân viên y tế thôn bản, cộng tác viên dân số, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng cùng tham gia công tác này. Từ đó, giảm thiểu và khắc phục tình trạng tảo hôn, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
HOÀNG YÊN