Y tế

Cảnh báo tổn thương da từ kiến ba khoang

LÊ QUÂN 17/09/2024 09:17

Bắt đầu vào mùa mưa cũng là thời điểm xuất hiện kiến ba khoang. Đây là loại côn trùng chứa độc tố pederin - một chất mạnh hơn nọc rắn hổ mang 12 - 15 lần, có thể gây viêm da tiếp xúc, ngứa, rát.

kienbakhoang.jpg
Người dân nên đến cơ sở y tế khi bị viêm da tiếp xúc, tránh trường hợp bội nhiễm khi tự điều trị. Ảnh: L.Q

Những ngày qua, khi độ ẩm tăng, các cơ sở y tế tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc, nguyên nhân ghi nhận ban đầu do dính độc tố từ kiến ba khoang.

Độc tố từ dịch kiến

Bác sĩ Nguyễn Ngô Ức My - Khoa Da liễu Bệnh viện Đa Khoa Sài Gòn Tam Kỳ cho biết, kiến ba khoang thường bay vào nhà theo ánh đèn, đậu vào giường chiếu, chăn màn, quần áo… Loại kiến này không đốt hay cắn người nhưng trong chất pederin từ dịch cơ thể của nó gây rộp, bỏng da nếu tiếp xúc. Tên gọi là kiến ba khoang nhưng chúng không thuộc họ kiến.

Kiến ba khoang thường xuất hiện sau mùa gặt vì thức ăn của nó là con rầy trên đồng ruộng. Peredin có trong máu của kiến ba khoang. Peredin có thể thẩm thấu qua da.

k1-3-.jpg
Kiến ba khoang có độc tố Pederin - một chất mạnh hơn nọc rắn hổ mang 12 - 15 lần. Ảnh: M.H

Do đó, khi giết kiến ba khoang, các vùng da tiếp xúc với con vật có thể nhiễm độc dẫn tới viêm da nặng. Nếu không rửa tay ngay, chất độc có thể dính sang các vùng da khác. Peredin dính vào mắt sẽ gây viêm kết mạc và phần mềm quanh mắt, có trường hợp gây ra mù tạm thời.

Bác sĩ My cho biết, viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang sẽ có triệu chứng đỏ da, sau đó xuất hiện mụn nước, bọng nước, mụn mủ trên nền da đỏ kèm triệu chứng ngứa nhẹ, đau rát.

Khi dính chất độc từ kiến ba khoang, người bệnh sẽ có cảm giác râm ran, 6 - 8 giờ sau xuất hiện ban đỏ, rát đỏ. Từ 12 - 24 giờ tiếp theo, các tổn thương điển hình sẽ xuất hiện. Nếu không giữ gìn vệ sinh cẩn thận, vết thương có thể bị loét, rỉ dịch.

Cảnh giác bội nhiễm

Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Quảng Nam cho biết, biểu hiện khi bị kiến ba khoang đốt khá giống với bệnh zona thần kinh nên nhiều lầm tưởng và điều trị bệnh zona, đến khi bị biến chứng mới đến bệnh viện.

kien1(1).jpg
Vết loét sau khi bị dính độc tố của kiến ba khoang. Ảnh: L.Q

Chị N.T.D., đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Tam Kỳ cho biết, xung quanh nhà chị cây cối khá rậm rạp, nhiều vũng nước đọng. Sau mấy trận mưa gần đây, thời tiết ẩm hơn và côn trùng cũng xuất hiện nhiều hơn.

Cách đây mấy ngày chị cảm thấy vùng da quanh cổ ngứa ngáy và nổi nhiều mụn nước. Sợ zona nên chị tìm đến bệnh viện xét nghiệm và được biết do dịch kiến ba khoang.

Bác sĩ Nguyễn Ngô Ức My khuyến cáo, để dự phòng viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang, mùa này người dân nên đóng các cửa sổ trước khi bật đèn về chiều cũng như giũ các áo quần, khăn mặt, khẩu trang, bao gối trước khi sử dụng.

“Nếu tiếp xúc trực tiếp với dịch của kiến ba khoang nên rửa sạch tay ngay bằng xà phòng. Nếu thấy kiến ba khoang có thể dùng giấy vệ sinh để bắt kiến, không nên dùng tay trực tiếp vì nguy cơ tiếp xúc với dịch pederin.

Không đắp lá hay đậu xanh lên tổn thương viêm da do kiến ba khoang vì sẽ gây bội nhiễm. Nếu có tổn thương lan rộng, tổn thương vị trí vùng mắt, tổn thương gây đau nhức nhiều nên đến khám chuyên khoa da liễu” - bác sĩ My khuyến cáo.

Hiện nay, tại Bệnh viện Đa Khoa Sài Gòn Tam Kỳ, bệnh nhân và người nhà trong thời gian lưu viện, nếu phát hiện bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang sẽ được bệnh viện miễn phí tiền khám và thuốc điều trị. Chính sách này đã được bệnh viện thực hiện từ tháng 6 đến nay.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cảnh báo tổn thương da từ kiến ba khoang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO