Hiện nay, nhiều gia đình đã thay đổi thói quen uống nước đun sôi để nguội bằng nước uống đóng chai tinh khiết được sản xuất hàng loạt trên thị trường nhưng việc kiểm định chất lượng sản phẩm vẫn còn lơi lỏng.
Bán nhan nhản
Chị Phan Thị Thương Hoài (Công ty Thành Trí, Thăng Bình) kể: “Sau một cuộc họp của công ty, nhân viên chúng tôi dọn dẹp những chai nước uống tinh khiết thì phát hiện tất cả chai nước khách dùng đều có mùi hôi. Khi kiểm tra số nước chưa khui còn lại, chúng tôi đều nhận thấy có mùi và tiến hành hủy toàn bộ”. Tương tự, anh Lâm Phùng Út (Công ty cơ khí Huỳnh Đức, Đại Lộc) cũng chia sẻ: “Có lần chúng tôi tiếp khách bằng nước tinh khiết nhưng bị từ chối vì nhìn thấy cặn trong chai nước. Trong khi đó, đối tác người nước ngoài của công ty chúng tôi chiếm số lượng tương đối, họ chỉ uống nước khi nhìn thấy trên chai nước có thương hiệu với dấu đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Từ đó đến nay, chúng tôi tiếp khách bằng các loại nước tinh khiết có thương hiệu trên toàn quốc, không dùng nước của các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ”.
Người tiêu dùng chưa có được kênh uy tín trong việc xác định chất lượng sản phẩm nước uống tinh khiết.Ảnh: C.T.ANH |
Theo báo cáo từ Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 100 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai. Huyện Điện Bàn dẫn đầu với 28 cơ sở sản xuất, sau là TP.Tam Kỳ (13 cơ sở), Hội An (9 cơ sở); Tây Giang, Bắc Trà My, Nông Sơn mỗi huyện 1 cơ sở… Hầu hết cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết đóng chai, đóng bình đều thuộc “công ty gia đình”. Để có được một cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết, chỉ cần đầu tư khoảng 100 đến 200 triệu đồng từ máy móc, xưởng sản xuất, xe tải... Điều đáng lo ngại là sự xuất hiện ồ ạt của nhiều loại nước uống đóng chai, bình kém chất lượng không những khiến cho người tiêu dùng mất lòng tin mà còn làm cho những cơ sở nghiêm túc cũng bị lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười”. Năm 2012, Thanh tra Sở Y tế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 52 cơ sở sản xuất nước tinh khiết và phát hiện, xử phạt 9 cơ sở với những lỗi như không kiểm nghiệm định kỳ, công bố hợp quy; không đảm bảo về điều kiện con người, điều kiện vệ sinh cơ sở, điều kiện trang thiết bị dụng cụ…
Lơi lỏng xét nghiệm
Có thể nói, với mức đầu tư ban đầu không quá cao nên giá cả của các loại nước uống tinh khiết cũng khá mềm. Một bình nước tinh khiết loại 19 - 20 lít giá cơ sở sản xuất giao cho đại lý chỉ từ 6.000 - 7.000 đồng. Khi bán lẻ cho người tiêu dùng, giá một bình nước ở mức 10.000 đồng, mua 10 bình tặng 1 bình hoặc khuyến mãi thêm gói bột ngọt. Anh D.M.H - chủ cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết H. (TP.Tam Kỳ) cho hay: “Cơ sở sản xuất của tôi ra đời năm 2011, đầu tư 200 triệu cho dây chuyền lọc nước, chưa tính nhà xưởng và xe tải. Công suất hoạt động của máy khoảng 400 - 500 bình, tương đương khoảng 10.000 lít nước một ngày. Hiện nay, TP.Tam Kỳ có quá nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng chai nên tôi phải chịu khó đem bỏ cho các cơ sở ở Tiên Phước, Phú Ninh… Vận chuyển xa tốn chi phí xăng dầu nhưng không thể đẩy giá lên cao”.
Theo thăm dò bỏ túi của phóng viên tại vài cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, nơi sản xuất nước thường chật hẹp, ẩm thấp, trang thiết bị chẳng có gì ngoài máy ozone xử lý nước. Thế nhưng, trên nhãn mác của tất cả loại nước uống tinh khiết đều được ghi “xử lý qua hệ thống thẩm thấu ngược RO, thanh trùng bằng tia cực tím (UV) và ozone sau khi qua hệ thống lọc, làm mềm và khử mùi hoàn toàn” hay giới thiệu “được sản xuất trên công nghệ hiện đại của Mỹ, hệ thống lọc đa tầng”…
Theo các nhà khoa học, thiết bị công nghệ màng lọc thẩm thấu ngược đạt tiêu chuẩn để sản xuất nước uống đóng chai phải nhập với giá khoảng 1 tỷ đồng. Đa số các cơ sở nhỏ lẻ không đủ kinh phí đầu tư nên thường chỉ lọc bằng than hay sỏi, rồi đưa qua hệ thống máy dùng tia cực tím tạo ozone khử trùng, sau đó đóng chai rồi đem bán. Do các cơ quan hữu quan không kiểm tra, quản lý chặt nên các đơn vị sản xuất cũng không thực hiện nghiêm việc xét nghiệm chất lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Cam - Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh cho biết, khi đi thanh tra kiểm tra cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết, đoàn thường kiểm tra mẫu lưu của cơ sở, rất khó để xét nghiệm trực tiếp chất lượng sản phẩm…
Với con số 100 cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết trên địa bàn cho thấy việc cấp phép cho các cơ sở sản xuất khá dễ dàng trong khi còn nhiều chồng chéo, khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra. Điều này khiến việc quản lý chất lượng sản phẩm đưa ra thị trường đang là bài toán khó.
CHIÊU THỤC ANH