Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến xấu, Liên hiệp quốc cảnh báo về làn sóng dịch bệnh mới nếu thế giới không hành động mạnh mẽ để bảo vệ động vật hoang dã và môi trường.
Những thập kỷ gần đây, nhiều bệnh truyền nhiễm nổi lên đặc biệt nguy hiểm, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người như Ebola, SARS, Zika, HIV/AIDS, sốt rét, bệnh dại. Theo các nhà khoa học thế giới, những bệnh này đều có đặc điểm chung là bắt nguồn từ động vật và lây sang người, hay còn gọi là bệnh zoonosis.
Ngày 7.7 vừa qua, báo cáo khoa học của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) và Viện nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI) cho thấy, trừ khi các quốc gia thực hiện các bước quyết liệt để hạn chế lây nhiễm bệnh từ động vật, đại dịch toàn cầu như Covid-19 sẽ trở nên phổ biến hơn.
Báo cáo trên mô tả cụ thể, 60% trong số 1.400 vi khuẩn lây nhiễm ở người có nguồn gốc từ động vật. Chính sự thờ ơ đối với bệnh lây nhiễm khiến 2 triệu người tử vong mỗi năm và chủ yếu là tại các nước đang phát triển. Trong vòng một thế kỷ qua, thế giới chứng kiến ít nhất 5 dịch bệnh bùng phát vì các chủng vi rút corona. Không chỉ gây thiệt hại về người, bệnh zoonosis khiến nền kinh tế toàn cầu tổn thất 100 tỷ USD trong vòng 2 thập kỷ qua và trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Còn dịch Covid-19 - có thể có nguồn gốc từ dơi - ước tính sẽ quét sạch 9.000 tỷ USD của nền kinh tế toàn cầu trong giai đoạn 2020 - 2021 và đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn nửa triệu người. Giám đốc điều hành UNEP - bà Inger Andersen nói: “Đại dịch đang tàn phá cuộc sống và nền kinh tế của chúng ta, và như chúng ta đã thấy trong những tháng qua, đó là người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất phải chịu đựng nhiều nhất”.
Trong báo cáo, các nhà khoa học xác định 7 xu hướng có thể chịu trách nhiệm góp phần khiến bệnh zoonosis bùng phát và kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới sớm ngăn chặn đại dịch như Covid-19 trong tương lai. Đó là: nhu cầu protein động vật tăng cao; khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức và đô thị hóa ồ ạt; canh tác thâm canh và không bền vững; săn bắt động vật hoang dã trái phép; tăng nhu cầu đi lại và giao thông; nhu cầu lương thực nói chung tăng cao và biến đổi khí hậu. Bà Inger Andersen khẳng định: “Để ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh trong tương lai, chúng ta phải trở nên cân nhắc hơn nhiều việc bảo vệ môi trường tự nhiên của chúng ta”.
Trong khi đó, Delia Grace - tác giả chính của báo cáo, hiện công tác tại ILRI nói thêm, các quốc gia cần có sự phản ứng phối hợp, dựa trên cơ sở khoa học đối với các bệnh lây nhiễm từ động vật. Bên cạnh cải thiện đa dạng sinh học, việc đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển, ứng dụng công nghệ, đầu tư vào y tế công cộng luôn là những đầu tư cần thiết, mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng ngừa khủng hoảng dịch bệnh xuyên biên giới.
Giám đốc ILRI cho rằng, các nước châu Phi đang thể hiện những cách chủ động để quản lý dịch bệnh nhờ vào kinh nghiệm của họ với Ebola và các bệnh mới nổi khác. Một số quốc gia châu Phi đã áp dụng phương pháp One Health (Một sức khỏe) – phối hợp chuyên môn về sức khỏe cộng đồng, thú y và môi trường có thể giúp xác định và điều trị dịch ở động vật trước khi bệnh truyền sang người. Đây cũng là cách tiếp cận đang thu hút được nhiều sự chú ý ở các diễn đàn khoa học quốc gia, khu vực và quốc tế.