Các cơ quan chức năng lo lắng vì mùa mưa lũ cận kề nhưng nhiều hộ nuôi cá lồng bè trên sông Tam Kỳ và Bàn Thạch vẫn bất chấp cảnh báo để tiếp tục hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Nguy cơ mất an toàn về người và tài sản đối với việc nuôi cá lồng bè trên sông Tam Kỳ vào mùa mưa lũ. Ảnh: V.A |
Báo cáo tại hội nghị triển khai công tác phòng chống lụt bão (PCLB) hồ chứa nước Phú Ninh vừa qua, Công ty Thủy lợi Quảng Nam cho biết, hiện trên sông Tam Kỳ còn 7 hộ nuôi cá lồng, bè, trong đó 5 hộ ở TP.Tam Kỳ và 2 hộ ở Núi Thành. Theo quy định đến 30.9 hàng năm, các hộ phải di dời toàn bộ lồng bè và ngừng việc nuôi trồng thủy sản trên sông, tuy nhiên hiện các hộ dân nói trên vẫn đang duy trì 119 lồng bè với số lượng hơn 1 triệu con cá (chủ yếu là cá diêu hồng). Dự kiến đợt thả cá này phải tới tháng 2.2019 mới thu hoạch. Như vậy, các hộ dân sẽ phải chấp nhận rủi ro khi mưa lũ xảy ra. Vấn đề này khiến cho phía Công ty Thủy lợi Quảng Nam - đơn vị vận hành hồ chứa nước Phú Ninh khá lo lắng vì không chỉ tài sản mà cả tính mạng người dân đều có nguy cơ bị đe dọa trong trường hợp phải xả lũ khẩn cấp khi có lũ lớn.
An toàn hồ chứa là ưu tiên số 1 Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai công tác PCLB hồ chứa nước Phú Ninh năm 2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát lại bản đồ ngập lụt vùng hạ du. Đồng thời triển khai kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng trong tình trạng khẩn cấp (gọi tắt là EPP) khi có sự cố xảy ra với hồ chứa nước Phú Ninh. Phía Công ty Thủy lợi Quảng Nam cần sớm lắp đặt hệ thống quan trắc mức độ thấm qua đập; rà soát lại quy trình xả lũ; phối hợp với các đơn vị đi khảo sát thực địa nhằm chuẩn bị tốt kế hoạch ứng cứu khi có sự cố. Về kiến nghị xin nâng cao trình tích nước hồ chứa Phú Ninh vào những tháng cuối năm của Công ty Thủy lợi Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chia sẻ với kiến nghị này là nhằm đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ hè thu và cho phát triển công nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, vấn đề an toàn hồ chứa vẫn là ưu tiên số 1. Trong trường hợp những tháng cuối năm ít mưa, hồ chứa Phú Ninh tích nước không đủ cho sản xuất nông nghiệp thì tỉnh sẽ có những phương án để khắc phục. |
Thực tế những năm trước cho thấy, công tác vận hành điều tiết lũ của hồ chứa nước Phú Ninh đảm bảo quy trình. Mỗi đợt xả lũ đều có thông báo đến từng địa phương nằm trong phạm vi xả lũ ít nhất 12 tiếng bằng văn bản, điện thoại, tin nhắn và email. Tuy nhiên do các hộ nuôi cá lồng bè trên sông Tam Kỳ chủ quan, bất chấp cảnh báo nên khi hồ xả lũ đã gây ra thiệt hại khá nặng về tài sản. Rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay phía Công ty Thủy lợi Quảng Nam đã sớm phối hợp với địa phương đi khảo sát các hộ nuôi cá trên sông. Qua đó tuyên truyền, vận động và cảnh báo người dân về việc xả lũ. Đồng thời tổ chức cho người dân ký biên bản cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu việc xả lũ gây thiệt hại về người và tài sản. Ông Đỗ Văn Tùng - Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi Quảng Nam kiêm Phó Trưởng ban Chỉ huy PCLB hồ chứa nước Phú Ninh cho biết: “Để ứng phó với tình hình mưa lũ hàng năm, chúng tôi kiến nghị tất cả đơn vị có hoạt động, tham gia khai thác nguồn lợi trong phạm vi công trình Phú Ninh phải có trách nhiệm tự bảo vệ tài sản, cơ sở vật chất, tính mạng con người… trước, trong và sau mùa mưa lũ hàng năm. Các đơn vị tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến công tác vận hành điều tiết lũ cũng như quá trình triển khai công tác PCLB của hồ Phú Ninh”.
Trước kiến nghị của Công ty Thủy lợi Quảng Nam về vấn đề nuôi cá lồng bè trên sông, ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho rằng phía công ty không cần quá lo lắng. Bởi vì vấn đề này thành phố đã quy định cụ thể về thời điểm nuôi và bắt buộc 30.9 hàng năm các hộ phải di dời toàn bộ lồng bè. Ngoài ra, thành phố đã có văn bản chỉ đạo các phường, xã liên quan xuống làm việc và buộc người dân ký cam kết. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo người dân thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở.
ANH ĐÔNG