Một cánh chim triing huyền thoại của núi rừng Trường Sơn đã ngừng đập mãi mãi. Mây núi như lặng thinh, giữa tháng 4 lịch sử, tiễn ông về với ông bà tổ tiên. Ông là Clâu Nâm - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Không chỉ anh hùng trong kháng chiến, ông Cơlâu Nâm là người tích cực giữ hồn văn hóa Cơ Tu ở Tây Giang. Trong ảnh: Già Cơlâu Nâm tham gia lễ hội cùng dân làng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Tôi nhận cuộc điện thoại của một người bạn vào lúc sáng sớm 5.4, bảo ông đã đi về với Giàng, sau một thời gian chống chọi bệnh tật. Bàng hoàng và không muốn tin vào tai mình. Tôi vội vã điện thoại ngược về Tây Giang. Từ đầu dây bên kia, ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang xúc động: “Bác Cơlâu Nâm đã mất rồi!”.
1. Hồi trước tết, qua một vài người bạn, tôi biết thông tin ông bị bệnh, nằm điều trị tại Bệnh viện Quân Y 17 (TP.Đà Nẵng). Một thời gian sau, nghe nói ông đã được đưa về tuyến huyện, sức khỏe cũng dần ổn định. Nào ngờ, mới đó mà ông đã ra đi.
Năm ngoái, đợt Tây Giang đăng cai tổ chức Ngày hội trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, tôi được gặp ông - già làng Cơlâu Nâm (ở thôn Pơr’ning, xã Lăng, Tây Giang). Vẫn bộ trang phục vỏ cây truyền thống, ông bắt nhịp bằng tiếng khèn du dương, trầm bổng cùng dân làng vào hội dựng cây nêu truyền thống. Lúc đó, ông vẫn còn minh mẫn lắm, với nụ cười hiền đầy chất núi, thu hút những ánh nhìn. Ở hầu hết lễ hội lớn nhỏ diễn ra tại Tây Giang này đều có sự góp mặt của ông, xuất hiện như một “nhạc trưởng”. Trên tay ông lúc nào cũng mang theo chiếc khèn, hoặc các loại nhạc cụ truyền thống khác, hòa cùng nhịp trống chiêng rộn rã. Ông nhiệt tình, đến độ mỗi lần về dự lễ hội truyền thống ở Tây Giang, lúc nào tôi cũng mặc định rằng ông luôn không thể thiếu. Mà hình như, suy nghĩ đó của tôi chính xác, ngoại trừ Lễ khai năm tạ ơn rừng vừa được tổ chức mới đây. Lễ hội vắng bóng ông. Tôi tìm quanh, rồi mới sực nhớ, ông đang nằm bệnh. Một chút buồn, với tôi không thể nói bằng lời…
Chừng hơn một năm trước, trời Tây Giang mưa phùn. Tôi ghé làng Pơr’ning tìm gặp ông. Người nhà ông bảo, từ sáng sớm ông đã lên gươl làng. Khói bếp từ trong gươl tỏa ra nghi ngút, ông Nâm cùng một vài người cao niên trong làng cần mẫn truyền dạy đan lát cho thanh niên, con cháu của mình. Hồi đó, ông cũng ngồi đan chiếc nón bằng chất liệu lá cây alớ để làm kỷ niệm. Vì thế, trong gươl ông vừa chỉ cách đan chiếc gùi mây cho “học trò”, vừa hì hục với công việc của mình, mà quên trời đông rét buốt. Già làng Cơlâu Nhấp nói với tôi, rằng đồng bào ở Pơr’ning này rất biết ơn ông Nâm, từ việc làm gương trong lao động sản xuất, đoàn kết cộng đồng, cho đến việc chấp hành chủ trương, đường lối và góp sức bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Cơ Tu. Ngay không gian gươl làng ở Pơr’ning này, cũng là nhờ từ công sức của ông khi vận động dân làng cùng hiến đất để triển khai khu dân cư mới bằng phẳng. Rồi cũng chính ông Nâm, đã cùng dân làng miệt mài bỏ hàng tháng trời để đục đẽo, trang trí hoa văn cho những ngôi gươl truyền thống, theo chủ trương khôi phục giá trị văn hóa miền núi, từ hơn 10 năm trước.
Ông Cơlâu Nâm sinh ngày 4.2.1930, tại thôn Pơr’ning, xã Rguh (nay là xã Lăng, huyện Tây Giang). Ông tham gia cách mạng vào tháng 3.1946; đến tháng 8.1966, ông được điều động về Huyện đội Đông Giang, giữ chức vụ Huyện đội trưởng. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông Cơlâu Nâm trực tiếp tham gia hơn 100 trận đánh, bắn rơi 7 máy bay, tiêu diệt 11 xe cơ giới cùng nhiều quân địch... Ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang vào năm 2010; trong quá trình hoạt động cách mạng được tặng nhiều Huân - Huy chương các loại và bằng khen, giấy khen các cấp. Ông cũng đã được trao tặng Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. |
2. Tôi ngưỡng mộ già Cơlâu Nâm từ khi tôi còn rất nhỏ, qua câu chuyện của những già làng. Chính sự gan dạ, mưu trí trong chiến đấu, cùng những chiến công lừng lẫy khắp núi rừng và cả câu chuyện tình yêu đẹp đẽ của ông luôn khiến đồng bào vùng cao ngưỡng mộ. Thời đó, nhiều người dân ở khắp vùng huyện Hiên cũ còn ví chuyện tình yêu của ông Nâm, bà Đhướt (vợ ông) như một giai thoại vùng biên, cùng bao niềm mơ ước. Vì thế, không lạ khi “hình mẫu” của vợ chồng ông Nâm một thời luôn được đồng bào yêu thích và đưa vào trong câu hát, đầy vẻ tự hào.
Những năm kháng chiến chống Mỹ, cái tên Cơlâu Nâm từng làm nức tiếng đồng bào Cơ Tu ở cánh miền núi tây bắc Quảng Nam với những trận đánh đầy mưu trí, anh dũng. Hàng chục trận đánh “không tiếng súng” được ông Nâm trực tiếp chỉ huy tại vùng cao đã tạo nên tiếng vang lớn, thôi thúc đồng bào cùng đứng lên đánh giặc, bám đất giữ làng. Bởi thế thời đó, cùng với nhiều thanh niên Cơ Tu khác, cái tên Cơlâu Nâm luôn được các già làng và cách mạng lấy đó làm tấm gương điển hình để động viên thanh niên miền núi lên đường tham gia cách mạng. Cùng với Alăng Bảy, Bh’nướch Tâm và Zơrâm Nơơl, Cơlâu Nâm cũng là cái tên được đồng bào miền núi hợp thành huyền thoại “Bảy - Nâm - Tâm - Nơơl”, cùng với những trận đánh ngoan cường, anh dũng được ca ngợi trong suốt một thời gian dài.
Chiều miền núi, gió vẫn thổi trên mái gươl làng. Nhưng hôm nay thật khác, người làng Pơr’ning không một ai ra sân vui đùa. Con đường bê tông dẫn về ngôi nhà của ông Cơlâu Nâm trên đỉnh đồi, đông nghịt bước chân người tìm về. Ai cũng muốn được một lần nữa nhìn mặt ông, được thắp nén nhang tiễn người anh hùng của núi về với mẹ rừng.
ALĂNG NGƯỚC