Cánh chim tring không mỏi

PHƯƠNG GIANG 18/02/2015 12:23

Cả cuộc đời, tấm lòng của già làng Y Kông với núi, với người Cơ Tu vẫn miệt mài như cánh chim tring không mỏi, lấp lánh tự hào.

“Ai chết, mang đến Y Kông đền”

Một dạo, ông cặm cụi cả tháng trời ngồi đục đẽo chiếc quan tài cho chính mình, một “con đò” đưa ông đi tiếp những ước nguyện dài như lời ông kể. Rồi một dạo nữa, đủ thứ tượng gỗ, nhà gỗ truyền thống, nhạc cụ của người Cơ Tu lần lượt ra đời, biến ngôi nhà nhỏ nằm bên đồi chè trở thành một “bảo tàng” thu nhỏ. Cứ mỗi lượt đi về xứ núi, tôi lại được dịp ghé thăm ông, nghe ông kể về những điều xưa, chuyện nay. Ông có kiểu kể chuyện bình thản, cứ rầm rì, rầm rì như những câu hát lý, như tiếng k’thu (trống cái của người Cơ Tu) vang vọng. Có bận, tôi đùa ông cất sao hết những chuyện đó trong bụng, nhớ sao hết những câu chuyện trong đầu, ông nói ngược lại rằng tháng năm cất mọi thứ. Còn ông, chỉ là người nhớ lấy tháng năm. Ông nhớ và nói hay đến độ cứ hễ có điều gì liên quan đến người Cơ Tu, tôi phải tìm đến ông. Những điều ông kể, vừa là những kiến giải đầy thú vị, vừa là một niềm xác tín cho tôi trước muôn vàn bí ẩn của văn hóa Cơ Tu.

Dù tuổi đã cao, già Y Kông vẫn miệt mài làm những bức tượng gỗ truyền thống của người Cơ Tu.
Dù tuổi đã cao, già Y Kông vẫn miệt mài làm những bức tượng gỗ truyền thống của người Cơ Tu.

Năm ngoái, sự kiện “làng ma” Bút Tưa là một trong những chấn động lớn đối với người Cơ Tu Đông Giang, Tây Giang. Tôi đến, bàng hoàng nhìn những nền nhà chỉ còn trơ gạch vụn, đổ nát đến tang thương. Về hỏi chuyện già Y Kông, ông không vội nói về luật tục, mà kể cho tôi nghe một câu chuyện từ những ngày đầu giải phóng. Xã A Ting bấy giờ đa số là người Cơ Tu từ khu 7 (4 xã vùng biên huyện Tây Giang - PV) chuyển về. Rồi thôn Ba Liêng ở đó cũng rộ lên chuyện chết xấu, đến độ không chỉ mỗi người dân thôn Ba Liêng, mà dân cả xã A Ting nằng nặc đòi trở về khu 7. Ông khi ấy đang là chủ tịch huyện. Giao việc lại cho cấp dưới, ông đã “giải cứu” thành công cả xã A Ting khỏi nỗi lo bằng một hành động chưa hề có tiền lệ: về ở hẳn với dân làng Ba Liêng suốt gần 3 tháng trời! “Dân đổ ra, nói lỡ có người chết nữa thì sao. Ta đứng giữa làng, vỗ ngực mình mà thề ai chết, mang tới đây Y Kông đền. Ta ở đó với họ, đi rẫy với họ, uống rượu với họ. Dân Ba Liêng chừ nhắc tới Y Kông, nhớ lắm!” - ông kể. Lần nói chuyện đó, ông quả quyết nếu biết chuyện sớm hơn, ông đã lên với dân Bút Tưa. Ông ngồi trầm ngâm rất lâu. Một khoảng lặng... chắc trong lòng vị già làng vẫn đau đáu về từng bản làng, về văn hóa của dân tộc mình. Tôi biết có điều gì đó trong lòng già Y Kông, như một niềm day dứt…

Già làng Y Kông tại lễ hội văn hóa làng Bhơ Hôồng năm 2013. Ảnh: PHƯƠNG GIANG
Già làng Y Kông tại lễ hội văn hóa làng Bhơ Hôồng năm 2013. Ảnh: PHƯƠNG GIANG

Rượu của già làng

Giờ thì nhà của già làng Y Kông đã trở thành một điểm dừng chân trên cung đường du lịch phía tây xứ Quảng. Hàng trăm đoàn khách, nhất là khách quốc tế, đã ghé đến cùng ăn, cùng ở trong nhà già Y Kông. Như một “đại sứ” về văn hóa, ông đón tiếp, giới thiệu về kiến trúc truyền thống, về ẩm thực, về văn hóa dân tộc mình. Giấc mơ “làm du lịch” ấp ủ từ lâu đã thành, còn du khách rời đi bao giờ cũng vương vấn một lời hẹn sẽ quay trở lại với vị già làng đáng kính. Ngôi nhà moong tự dựng đã lấp đầy bằng những món đồ ông cất công tự làm như nhạc cụ, tượng gỗ, vũ khí săn bắn của người Cơ Tu. Những món ăn truyền thống dân dã cũng trở thành một đặc sản chiêu đãi khách. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là “rượu củ kun”, một loại rượu thuốc do chính ông khai sinh ra trên vùng đất Trung Mang bây giờ. Đến độ, người dân trong vùng vẫn gọi rượu này là “rượu Y Kông”. Từ một thứ củ rừng, tiếng Cơ Tu gọi là củ “kun”, ông tìm về ngâm rượu, cho ra thứ rượu màu nâu đỏ, rất thanh, mà theo ông có thể giúp đỡ đau lưng, đau khớp. Một số gia đình học theo ông, bắt đầu ngâm rượu để bán, nhưng rượu của nhà ông vẫn đắt hàng nhất trong vùng. Làm quà biếu, đại diện “đặc sản địa phương” trong những cuộc trưng bày, hội chợ, khách không ngớt lời khen dành cho món rượu lạ của vị già làng.

Chiều cuối năm. Cái lạnh vương vất bên bậc thềm ngôi nhà moong lợp lá. Nghe rõ tiếng thác nước ầm ào chảy phía ngôi làng Tống Coói, cách nhà già Y Kông không xa. Người làng Tống Coói đặt tên thác nước đó là thác Y Kông, cái tên đã đi theo làng từ hàng chục năm nay như một niềm sùng kính với vị già làng. Năm tháng rồi cũng sẽ phủ xanh miền ký ức, như những xanh rêu đang mọc lên trên mái lá nhà moong. Nhưng tên của vị già làng sẽ mãi như ngọn thác đang ầm ào reo phía xa kia, mãi vang vọng giữa thung lũng Trung Mang như một niềm tự hào vĩnh cửu. Một cánh chim tring bay khắp đại ngàn…

PHƯƠNG GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cánh chim tring không mỏi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO