Cánh cửa hẹp của du học sinh Anh

QUỐC HƯNG 15/07/2015 10:28

Bộ Nội vụ Anh vừa chính thức gửi đề xuất lên văn phòng Chính phủ nước này về quy định liên quan đến giáo dục khiến du học sinh lẫn các bậc phụ huynh của nhiều nước lo lắng.

Theo đề xuất trên, sinh viên đến từ các quốc gia, ngoại trừ khu vực châu Âu, khi học tại các trường đại học hay cao đẳng ở Anh đều bị cấm không được làm việc trong thời gian theo học và phải rời khỏi Anh ngay sau khi khóa học kết thúc. Thông báo này được Bộ trưởng Nội vụ Anh, bà Theresa May đưa ra vào đầu tuần này. Nếu chính thức được Thủ tướng Anh David Cameron thông qua thì cuộc sống, học tập của rất nhiều sinh viên bị xáo trộn. Đồng thời nhiều bậc phụ huynh sẽ xem xét cẩn thận trước khi cho con em sang Anh du học bởi chi phí ăn ở, học tập ở đây rất cao, khoảng 20 - 35 nghìn USD mỗi năm (theo thống kê của của ngân hàng HSBC); nếu được học bổng chi phí sẽ nhẹ hơn.

Bộ Nội vụ Anh ước tính từ tháng 6.2014 đến nay, có 121 nghìn sinh viên các nước - trừ châu Âu đang sinh sống, học tập tại hơn 870 trường cao đẳng và đại học tại Anh; trong đó có khoảng 11 nghìn du học sinh Việt Nam. Nhưng chỉ có 51 nghìn sinh viên trong tổng số du học sinh trên trở về nước. Bà Theresa May cho biết, sắp tới du học sinh muốn ở lại Anh làm việc sau khi kết thúc khóa học phải có visa việc làm do Chính phủ Anh cấp.

Sinh viên nước ngoài du học tại Anh. (Ảnh: nottingham.ac.uk)
Sinh viên nước ngoài du học tại Anh. (Ảnh: nottingham.ac.uk)

Bộ trưởng nhập cư Anh, ông James Brokenshire nói, quy định nghiêm ngặt trên nhằm giúp nước Anh ngăn chặn dòng người nhập cư trái phép theo hình thức du học để tìm kiếm việc làm và được hưởng trợ cấp xã hội. Theo thống kê, năm 2014 có 11 nghìn du học sinh đến từ các nước (trừ châu Âu) không hề đến lớp. Để thực hiện hiệu quả quy định này, tất cả du học sinh khu vực ngoài châu Âu sẽ được kiểm tra tiếng Anh rất chặt chẽ cũng như nghiêm cấm tiếp cận thị trường việc làm, kể cả trường hợp đỡ đầu được cho là “giả tạo”…

Tuy nhiên, đề xuất trên của Bộ Nội vụ Anh nhận không ít chỉ trích và phản đối. Rằng nước Anh đã tự mình lấy đi cơ hội tiền bạc và tài năng từ du học sinh nước ngoài. Giáo sư Paul Webley - Giám đốc Đại học SOAS (Anh) nói, hầu hết du học sinh đến Anh đều có visa hợp lệ và đem lại lợi ích không nhỏ cho nước Anh. Thống kê của một tổ chức kiểm toán tại Anh, ước tính giai đoạn năm 2013 - 2014, du học sinh nước ngoài tại Anh đem lại cho nền kinh tế của xứ sở sương mù khoảng 2,3 tỷ bảng Anh (tức 2,5 tỷ USD). Tương tự, Seamus Nevin, người đứng đầu bộ phận nghề nghiệp và kỹ năng tại Viện Quản trị cho rằng, việc đẩy sinh viên nước ngoài ra đi là sai lầm và sẽ tác động tiêu cực tới hệ thống giáo dục Anh, thậm chí là phá hủy nền kinh tế và gây ảnh hưởng toàn cầu.

Katrina Bhosle sinh viên tại Anh đến từ Ấn Độ nói, phần lớn du học sinh tại Anh đều vừa học vừa làm bởi chi phí quá đắt đỏ. Nếu đề xuất trên được thông qua sẽ gây khó khăn cho du học sinh từ các nước. Ngoài ra, thời gian visa du học sinh bị cắt giảm còn 2 năm so với mức 3 năm hiện nay khiến nhiều du học sinh chưa kịp lấy bằng tốt nghiệp buộc phải về nước. Có thể thấy, cơ hội học tập và làm việc tại Anh vốn đã hẹp nay càng siết chặt. Trong khi đó, không phải sinh viên nào cũng đủ điều kiện tài chính để theo đuổi giấc mơ giáo dục tại Anh, nhất là sinh viên nghèo học giỏi.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cánh cửa hẹp của du học sinh Anh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO