Thuộc khuôn khổ Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7), Quảng Nam đã áp dụng thành công bước đầu mô hình “cánh đồng thông minh” sản xuất lúa và cây trồng cạn theo kỹ thuật hiện đại tại một số vùng chịu ảnh hưởng nặng của biến đổi khí hậu.
Nhiều thuận lợi
Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới tại Quảng Nam được triển khai trong vòng 3 năm (2016 - 2018) với 4 hợp phần chính: hỗ trợ cải thiện quản lý tưới, hỗ trợ nâng cao năng lực, đầu tư trang thiết bị quản lý, vận hành cho đơn vị thủy lợi và các tổ chức dùng nước. Nâng cấp cơ sở hạ tầng hệ thống tưới tiêu, “cứng hóa” kênh mương, giao thông nội đồng vùng dự án. Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA). Xây dựng 5 mô hình CSA cánh đồng lớn luân canh lúa, màu và mô hình CSA trên cây trồng cạn (rau, màu) trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ba mô hình CSA cánh đồng lớn luân canh lúa màu trên hệ thống canh tác đất lúa triển khai tại xã Bình Chánh (Thăng Bình, 55ha), xã Quế Xuân 1 (Quế Sơn, hơn 45ha) và tại xã Đại Minh (Đại Lộc, 50ha). Hai mô hình CSA cánh đồng lớn sản xuất rau, màu an toàn áp dụng hệ thống công nghệ tưới tiết kiệm được triển khai tại xã Tam Phước (Phú Ninh, 30ha) và tại xã Đại Cường và Đại Minh (Đại Lộc, 50ha).
Theo Sở NN&PTNT, trong khuôn khổ dự án WB7, Quảng Nam đã xây dựng 5 hệ thống CSA cho lúa trên cánh đồng mẫu và hệ thống CSA sản xuất đa dạng cây trồng cạn (cây đậu phụng, đậu xanh, rau màu) theo hướng tăng hiệu quả kinh tế, tăng hiệu quả sử dụng nước, giảm phát thải nhà kính, đưa nền sản xuất thích nghi với tình trạng biến đổi khí hậu. Với ba hệ thống CSA cho lúa theo cánh đồng mẫu tại Đại Lộc, Phú Ninh và Thăng Bình, ngành nông nghiệp tiến hành xây dựng các nhóm hộ tham gia, lựa chọn giống lúa thích hợp với điều kiện cụ thể địa phương, chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác ICM, IPM cho lúa đến người dân, cũng như quy trình xử lý, bảo quản, sơ chế lúa sau thu hoạch, phát triển liên kết 4 nhà từ khâu sản xuất tới tiêu thụ. Đặc biệt là hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng ruộng (xây dựng bờ thửa, hệ thống tưới tiêu) đảm bảo yêu cầu sản xuất theo cánh đồng lớn. Còn với 2 mô hình CSA trên cây trồng cạn tại Đại Lộc và Phú ninh, dự án cũng hỗ trợ 100% giống, 30% chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cùng dụng cụ cầm tay, hỗ trợ đóng giếng phục vụ sản xuất, được tập huấn kỹ thuật canh tác hiện đại. Dự án còn xây dựng bản đồ thích nghi cây trồng tại huyện Đại Lộc (thuộc vùng tưới hồ Khe Tân), Thăng Bình, Núi Thành, Duy Xuyên, Phú Ninh và Quế Sơn (thuộc vùng tưới hồ Phú Ninh) để làm cơ sở dữ liệu phục vụ quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng (bao gồm cả phân tích mẫu đất và nghiên cứu các điều kiện liên quan)…
Đẩy mạnh tính thiết thực
“Bước đầu, dự án chỉ mới hỗ trợ, trang bị kỹ thuật sản xuất hiện đại cho nông dân qua các lớp tập huấn tại đồng ruộng; hỗ trợ giống, vật tư, công cụ sản xuất đến người dân; hình thành việc phân vùng, phân lô sản xuất một cách khoa học, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất. Còn việc hỗ trợ hệ thống tưới thì chưa triển khai, sắp tới cần hoàn thiện để người dân chủ động trong sản xuất. Một yếu tố quan trọng nữa là dự án cần tính đến phương án đầu ra cho sản phẩm giúp nhân dân hưởng lợi, bởi vùng sản xuất cây màu vẫn bấp bênh về đầu ra nông sản là bài toán nan giải”. (Bà Nguyễn Thị Lạc - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Đại Cường) |
Tại xã Đại Minh, mô hình luân canh cây lúa lẫn cây màu được xây dựng trên tổng diện tích 50ha, tại cánh đồng lớn thôn Phú Mỹ, với hơn 250 hộ hưởng lợi. Ông Ngô Văn Phi - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Minh cho biết, trong quá trình triển khai mô hình CSA trên cánh đồng lúa thôn Phú Mỹ, HTX Nông nghiệp Đại Minh đảm trách, là cầu nối giữa ban quản lý dự án WB7 - nhà doanh nghiệp - nhà nông. Vụ đông xuân 2016 - 2017, ban quản lý dự án tổ chức nhiều buổi tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, phân tích rõ chế độ đầu tư hỗ trợ về phân bón, dụng cụ sản xuất cho hơn 250 hộ dân Phú Mỹ. Phía HTX cũng đã chủ động ký hợp đồng với Công ty Giống Thái Bình tổ chức sản xuất giống lúa BC 15 nguyên chủng tại cánh đồng Phú Mỹ, cử đội ngũ cán bộ bám đồng, cùng với công ty hướng dẫn kỹ thuật, kiểm soát dịch bệnh ngay tại đồng ruộng. Cuối vụ, công ty đã thu mua tăng từ 20 - 30% so với giá thị trường.
Ngoài ra, dự án WB7 cũng đã hỗ trợ để HTX mua 24 công cụ sạ hàng hỗ trợ đến người dân, cung ứng 225 ống đo mực nước trên đồng ruộng để bà con theo dõi mực nước tại ruộng thuận lợi. Vụ đông xuân 2016 - 2017, HTX đã cung ứng đủ 17,4 tấn vật tư các loại hỗ trợ đến người dân. “Qua mô hình, bà con giảm lượng giống sạ khoảng 10kg/ha, giảm số lần phun thuốc so với trước 1,5 lần/vụ. Song lợi nhuận tăng lên ở mỗi sào hơn 500.000 đồng, ước tính cả mô hình sinh lợi hơn 500 triệu đồng. Cái quan trọng nữa là mô hình tạo bước chuyển mạnh mẽ về nhận thức trong nông dân về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa phù hợp với sự biến đổi khí hậu, đặc biệt là tiết kiệm được nước tưới, giảm thải phát sinh hiệu ứng nhà kính. Việc đầu tư thùng chứa rác thải rắn góp phần làm trong sạch môi trường, hướng tới nền sản xuất bền vững” - ông Phi nhìn nhận.
HOÀNG LIÊN