Bộ Y tế mới đây đã đưa ra cảnh báo về phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, đề phòng sự quay trở lại của bệnh cúm A/H5N1.
Cuối năm, việc vận chuyển và tiêu thụ gia cầm tăng nhanh, nên vấn đề phòng tránh sự quay trở lại của dịch cúm A/H5N1 cần được cảnh giác. |
Theo thống kê, số trường hợp mắc bệnh cúm A/H5N1 đang có xu hướng tăng cao vào mùa đông xuân. Bệnh có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, ho, đau họng, có thể dẫn tới viêm phổi nặng và tử vong nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Nhận định dịch bệnh có thể gia tăng trong thời gian tới, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Đặc biệt dịp cuối năm, việc vận chuyển và tiêu thụ gia cầm gia tăng nhanh, nên vấn đề phòng tránh càng phải cảnh giác cao độ.
Theo thống kê của WHO thì cúm A/H5N1 có tỷ lệ gây tử vong rất cao: từ 50 - 60% các trường hợp mắc. Riêng ở Việt Nam, từ đầu năm đến nay, cả nước đã có hai trường hợp được xác định bị nhiễm cúm A (H5N1) và đều tử vong. |
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, người dân không nên ăn tiết canh, thịt gia cầm chưa nấu chín, không giết mổ gia cầm bị bệnh hoặc chết. Ngoài ra đã có hiện tượng chủng vi rút cúm trên gia cầm biến đổi, kháng vắc xin (có sự phân nhánh vi rút 2.3.2 thành 2 nhóm: nhóm a (cũ), vắc xin chỉ đáp ứng 75%, nhóm 2.3.2.b (chủng mới) vắc xin hiện không có tác dụng) nên có nguy cơ gây dịch bùng nổ trên đàn gia cầm. Chưa kể, vi rút này còn tồn tại cả trên các đàn thủy cầm nhưng lại không biểu hiện bệnh. Điều này làm cho việc kiểm soát bệnh gặp khó khăn. Cũng theo ông Long, mặc dù đã có những quy định giết mổ tập trung, nhưng thực tế tại các chợ, khu vực xung quanh chợ, tình trạng giết mổ gia cầm, kinh doanh gia cầm sống, thịt và trứng gia cầm chưa qua kiểm dịch vẫn phổ biến, đây là một nguy cơ tiềm tàng để dịch cúm A/H5N1 quay trở lại. Vi rút cúm được xác định là tồn tại nhiều trong chất bài tiết của gia cầm và có thể dễ dàng lẩn vào bụi đất, không khí. Vi rút có thể lây khi người tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh hoặc đồ dùng, vật dụng có dính chất thải của gia cầm; hít phải không khí chứa bụi từ phân gia cầm hay qua ăn uống.
Biện pháp phòng cúm được WHO khuyến cáo hàng đầu (nhưng vẫn bị nhiều người bỏ qua) hiện nay là rửa tay sạch sẽ. Trong thời điểm xảy ra dịch cúm, tốt nhất nên rửa tay bằng nước rửa tay diệt khuẩn để tăng cường khả năng loại trừ mầm mống gây bệnh. Không chỉ rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh mà ngay cả sau khi ra ngoài về, nhất là khi có tiếp xúc với gia cầm hay đi vào vùng dịch. Cẩn thận với dịch mũi, nước bọt từ gia cầm hoặc từ người khác, nên rửa tay bằng nước rửa tay diệt khuẩn đúng cách nếu chẳng may bị vấy bẩn.
B.ANH