Thời điểm giao mùa khiến nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch, kèm theo những đợt mưa kéo dài làm cho độ ẩm trong không khí tăng cao, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn có hại sinh sôi, phát triển gây bệnh cho trẻ.
Theo các chuyên gia y tế, thời điểm này là giai đoạn đỉnh điểm trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp, vì thế, phụ huynh nên lưu ý giữ ấm cơ thể, đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp: bị nhiễm khuẩn, nhiễm vi rút, các chất gây hại khác từ môi trường; cơ thể trẻ bị giảm sức đề kháng, từ đó làm tăng khả năng xâm nhập của các tác nhân xấu bên ngoài; trẻ ăn nhiều đồ lạnh, lạm dụng điều hòa…
Bác sĩ Bùi Duy Khả - Trưởng khoa Khám - Cấp cứu, Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Quảng Nam cho biết, các loại vi rút gây bệnh tồn tại trong không khí, xâm nhập vào cơ thể trẻ, dễ dàng phá vỡ sức đề kháng của trẻ em và gây bệnh.
“Các bệnh về đường hô hấp thường gặp như viêm phế quản, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi nặng, viêm tiểu phế quản cấp. Trẻ đến bệnh viện thường mắc các bệnh suy hô hấp, sốt cao liên tục và nhập viện để điều trị nội trú. Đa số các bệnh này lây truyền trực tiếp qua việc tiếp xúc hằng ngày, đồ ăn uống, tay chân, nước bọt, đồ chơi.... Bé thường có các biểu hiện như đột ngột sốt cao, đau đầu, đau toàn thân, lạnh, viêm họng, ho, mệt mỏi, khó thở, chán ăn và có thể biến chứng tiêu chảy nhẹ” - bác sĩ Khả nói.
Khi chăm sóc trẻ, nếu phát hiện bé có những triệu chứng sốt kéo dài, ho, sổ mũi, kèm theo thở khò khè... nên đưa trẻ đi khám và điều trị, không tự ý chăm sóc con ở nhà để tránh tình trạng bệnh chuyển biến nặng hơn và gây ra biến chứng nguy hiểm...
Theo các chuyên gia y tế, trẻ nhỏ thường có sức đề kháng yếu nên hạn chế cho trẻ đến các nơi đông dân cư vì có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm từ người lớn.
Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, nên hạn chế cho trẻ ra đường, nếu ra ngoài phải đeo khẩu trang cho trẻ, tránh các khung giờ cao điểm do ô nhiễm từ khói bụi sẽ ảnh hưởng đến đường hô hấp của trẻ.
Giữ ấm cho trẻ khi đi ngủ, sử dụng điều hòa ở nhiệt độ 28-29 độ. Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho trẻ trước và sau khi tiếp xúc với các khu trò chơi công cộng. “Để giúp trẻ tăng sức đề kháng và có một cơ thể khỏe mạnh, mẹ nên cho bé uống đủ nước mỗi ngày, nước giúp trẻ thanh lọc cơ thể, nâng cao sức đề kháng.
Bổ sung đủ cho trẻ 4 nhóm thực phẩm: tinh bột, chất béo, chất đường, chất đạm nhưng cần cho bé ăn một lượng thức ăn thích hợp để đáp ứng nhu cầu nhiệt cơ thể” - bác sĩ Bùi Duy Khả khuyến cáo.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên bổ sung các loại vitamin cho bé từ rau xanh hoặc trái cây, sữa. Ưu tiên các loại thực phẩm giúp tăng đề kháng, thực phẩm có bổ sung kẽm để giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh, kích thích trẻ ăn ngon miệng hơn, hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Đối với những trẻ bị sốt, chưa có cảm giác thèm ăn, nên cho bé ăn các loại thức ăn mềm như mì, cháo…, chia ra làm nhiều bữa nhỏ, tránh cho con dùng đồ ăn lạnh để bệnh không tái phát. Cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời để nâng cao thể chất cũng là điều nên làm để sức đề kháng của trẻ tốt hơn khi giao mùa.