Giáng sinh, tết dương lịch, tết âm lịch đang đến gần. Đây cũng là lúc các cửa hàng, doanh nghiệp tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá, săn hàng giảm giá trên các trang thương mại điện tử. Tuy nhiên vấn đề đặt ra lâu nay là có tình trạng tăng giá rồi giảm giá hay không? Và quan trọng là chất lượng hàng hóa được khuyến mãi có đúng như cam kết hay không?
Bạn tôi vừa rồi mua hàng giảm giá nhưng khi cô ấy tìm hiểu thì còn đắt hơn lúc chưa giảm giá. Nhiều cửa hàng giảm giá với mong muốn bán hết hàng tồn kho trong năm, nhưng cũng có không ít nơi, việc bán hàng giảm giá chỉ là một chiêu thức tinh vi để câu khách. Không ít cửa hàng treo bảng “giảm giá cực sốc” lên đến 70%, nhưng thực chất chỉ có một số mặt hàng chất lượng thấp giảm giá.
Khuyến mãi là hình thức để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng hiện nay, quy định về việc khuyến mãi chưa rõ ràng, chưa được kiểm soát chặt chẽ. Do đó, để tránh “sập bẫy” các chiêu trò khuyến mãi, giảm giá, người tiêu dùng cần cẩn trọng trong việc mua sắm. Có lẽ cách làm hay nhất là khi mua hàng khuyến mãi phải so sánh giá của sản phẩm đang giảm giá của cửa hàng này với giá của cửa hàng khác hoặc giá thị trường để xác định đó là khuyến mãi thật hay khuyến mãi ảo. Bên cạnh đó người tiêu dùng cũng cần lưu tâm đến chất lượng và thời hạn bảo hành sản phẩm định mua. Bởi nhiều siêu thị, cửa hàng không thực hiện chính sách “hậu mãi” như bảo hành, đổi trả đối với các mặt hàng khuyến mãi. Người mua hàng cũng cần lựa chọn địa chỉ uy tín để mua hàng, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái kém chất lượng dưới danh nghĩa giảm giá, khuyến mãi.
Đặc biệt là với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nếu phát hiện gian hàng, nhãn hàng nào thực hiện khuyến mãi gian dối thì cần chia sẻ, cảnh báo cho những người khác để góp phần lành mạnh hóa những chương trình kích cầu cuối năm.